Dầu tăng 2% tuần qua bất chấp đà suy yếu trong phiên

Dầu tăng 2% tuần qua bất chấp đà suy yếu trong phiên

Tuần qua, dầu WTI tăng 2%, dầu Brent vọt 2.1%

Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (21/02), chịu sức ép bởi sự rạn nứt trong liên minh sản xuất dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga, giữa lúc những lo ngại về sự lây lan COVID-19 ở Trung Quốc cùng dự báo khả năng tổn hại đến nhu cầu năng lượng, MarketWatch đưa tin.

Tuy nhiên, giá dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận đà tăng trong tuần qua, một phần được hỗ trợ bởi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó xoa dịu một số lo ngại về sự bùng phát virus ảnh hưởng đến nền kinh tế. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ hôm thứ Tư (19/02) cũng cho thấy dự trữ dầu thô nội địa tăng thấp hơn dự báo, cùng với đà sụt giảm của dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex lùi 50 xu (tương đương 0.9%) xuống 53.38 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 81 xu (tương đương 1.4%) còn 58.50 USD/thùng.

Tuần qua, hợp đồng dầu WTI đã tăng 2%, còn hợp đồng dầu Brent vọt 2.1%.

Ả-rập Xê-út đang cân nhắc việc ngừng liên minh sản xuất với Nga trong bối cảnh bất đồng giữa những nhà sản xuất dầu chủ chốt về ảnh hưởng của sự bùng phát COVID-19 đối với nhu cầu dầu thô toàn cầu, Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Sáu.

Báo cáo cho hay Ả-rập Xê-út, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), vốn chiếm hơn 50% năng suất sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đang tổ chức các cuộc thảo luận về khả năng cùng tham gia cắt giảm sản lượng lên tới 300,000 thùng/ngày.

“Nga tỏ ra ngần ngại đồng ý với đợt cắt giảm nay khi họ chờ đợi những tín hiệu về tình hình nhu cầu”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích năng lượng tại IHS Markit, nhận định. Nga không là thành viên thuộc OPEC nhưng đã hợp tác với nhóm này kể từ tháng 12/2016 trong một nỗ lực cân bằng cung cầu dầu trên thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nói với Reuters rằng báo cáo cho hay nước này đang xem xét việc tách khỏi liên minh là “vô nghĩa”.

OPEC cùng với các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, dự kiến tổ chức các cuộc họp vào ngày 05-06/03/2020 ở Vienna để thảo luận về sản xuất và nhu cầu trong bối cảnh những lo ngại xung quanh dịch COVID-19.

“Tình hình ở Trung Quốc còn lâu mới trở lại bình thường. Và đối với một số khác, lo ngại về sự lây lan virus ở ngoài Trung Quốc đang ngày càng tăng, điều này đang gây áp lực đáng chú ý đối với giá dầu vào sáng này”, Carsten Fritsch, Chuyên gia phân tích tại Commerzbank, chia sẻ.

Vào ngày thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 76,767 ca bị xác nhận nhiễm COVID-19, với số trường hợp tử vong là 2,247 người. Trong khi số ca nhiễm mới virus trên toàn thế giới giảm ngày thứ 2 liên tiếp, các chuyên gia phân tích cho biết vẫn còn lo ngại về số người nhiễm bên ngoài Trung Quốc. WHO cho hay có 1,019 ca nhiễm mới trên thế giới, với 100 ca được báo cáo ở Hàn Quốc, nơi đang chứng kiến sự tăng vọt số người nhiễm trong vài ngày gần đây.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 3 lùi 1.1% xuống 1.6506 USD/gallon, nhưng vẫn vọt 4.3% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 mất gần 0.7% còn 1.6866 USD/gallon và cũng giảm 0.7% từ đầu tuần đến nay.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 giảm 0.8% xuống 1.905 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này vẫn tăng 3.7%.

An Trần

FILI