Cổ phiếu bia bị 'bóp nghẹt' giữa hai gọng kìm Nghị định 100 và virus corona

Cổ phiếu bia bị 'bóp nghẹt' giữa hai gọng kìm Nghị định 100 và virus corona

Hàng loạt cổ phiếu bia sụt giảm kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu tiêu thụ bia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hai gọng kìm là Nghị định 100 và virus corona.

Bia Sài Gòn được bày bán trong một siêu thị tại TP. HCM. Ảnh: TV

“Kém khả quan” là quan điểm đánh giá của SSI Research đối với cổ phiếu của Sabeco (HOSE: SAB). Đáng nói, nó được thay đổi từ nhận định “khả quan”, theo báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona (nCoV) được SSI Research gửi đến nhà đầu tư cách đây ít ngày.

Nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu tác động lớn bởi dịch bệnh gây nên bởi virus corona. Cùng với đó, người tiêu dùng có xu hướng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài, SSI Research cho biết.

Dịch bệnh là đòn giáng nặng nề vào ngành bia, vốn đang chịu ảnh hưởng lớn từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020).

Cổ phiếu của Sabeco (HOSE: SAB) rớt khỏi mốc giá 200,000 đồng/cp lần đầu tiên sau một năm rưỡi (tính từ đầu tháng 08/2018), bất chấp nhà sản xuất Bia Sài Gòn vừa trải qua một năm với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.

Hãng bia lớn ở miền Bắc, Habeco (HOSE: BHN) cũng có cổ phiếu sụt giảm đến gần 16% kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại (30/01) sau Tết Nguyên đán. Habeco vốn đã phải lo lắng về việc mất thị phần vào tay Sabeco và Heineken, thì nay lại phải đối diện nhu cầu tiêu thụ suy giảm vì người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh. SSI Research từng đánh giá hiệu quả hoạt động của Habeco trong thời gian gần đây là khá mờ nhạt, dù rằng hãng này cũng vừa thay đổi thương hiệu sản phẩm và thực hiện các chương trình quảng bá đa dạng.

Nhiều cổ phiếu ngành bia khác, đa phần là các công ty con thuộc Sabeco, cũng sụt giảm mạnh dưới sức ép của Nghị định 100 và virus corona.

Một vấn đề khác mà nhà đầu tư còn cần phải lưu ý đó là mức định giá (theo P/E) vốn đã ở mức cao của các cổ phiếu vốn hóa lớn là SABBHN. Bởi mức định giá cao có thể khiến các cổ phiếu này thậm chí dễ tổn thương hơn khi bất ngờ đối mặt những biến cố làm lung lay tính ổn định của lĩnh vực kinh doanh bia.

Cổ phiếu bia bị 'bóp nghẹt' giữa hai gọng kìm
Nghị định 100 và virus corona
Dữ liệu tính đến kết phiên giao dịch 05/02/2020. Nguồn: VietstockFinance

Nhu cầu tiêu thụ bia tại châu Á bị ảnh hưởng nặng nề

Những tuần gần đây, các lượt tìm kiếm trên mạng internet về những từ khóa “corona beer virus”, “beer virus”, “beer coronavirus” đã tăng đột biến kể từ ngày 18/01. Cụ thể, từ 18-26/01, các lượt tìm kiếm từ khóa “corona beer virus” bỗng tăng dựng đứng 2,300% trên toàn cầu, theo Google Trends; con số này đối với từ khóa “beer virus” là 744% và với “beer coronavirus” là 3,233%, xét trên cùng khoảng thời gian.

Đại diện hãng bia Corona Extra nói rằng họ tin là người tiêu dùng hiểu và không hề đánh đồng những sản phẩm bia của hãng với chủng virus corona đang gây nên dịch bệnh trên toàn cầu, trang Business Insider dẫn lời một giám đốc Corona Extra.

Hãng bia Corona Extra không lo lắng về các từ khóa, nhưng vấn đề nhu cầu tiêu thụ bia có lẽ lại là chuyện khác. Đây cũng là mối lo của các nhà sản xuất bia lớn, đặc biệt là với những hãng mà thị trường châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh.

Carlsberg cho biết virus corona đã bào mòn doanh số bán bia của hãng. Hãng bia nổi tiếng dự báo tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của hãng bị bào mòn khi mối lo ngại về sự bùng phát virus corona đè nặng lên mức tiêu thụ bia tại châu Á.

Nhà sản xuất bia từ Đan Mạch đã đóng cửa một vài nhà máy tại Trung Quốc, nơi mà chính phủ buộc phải kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán trong một nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Virus corona chủng mới (nCoV) đã giết chết gần 500 người tại quốc gia tỷ dân, theo số liệu đến ngày 05/02.

“Thực sự là một tình thế thương tâm đối với Trung Quốc và người dân tại đây. Bên cạnh đó, Virus corona cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên việc làm ăn của chúng tôi nữa.” - Tổng Giám đốc Carlsberg - ông Cees ‘t Hart nói trong một cuộc điện thoại cùng phóng viên Bloomberg. Ông cũng cho biết thêm rằng khoảng một nửa những địa điểm giải trí về đêm và các cơ sở ăn uống tại những thành phố mà Carlsberg hiện diện đã đóng cửa.

Châu Á là một trong những thị trường quan trọng nhất của Carlsberg. Tổng giám đốc Carlsberg dự báo doanh thu tại thị trường Trung Quốc sẽ bị “ảnh hưởng nặng nề” trong quý đầu tiên của năm 2020. Hãng đã yêu cầu 60 nhà quản lý đứng đầu của mình tăng cường cắt giảm chi phí để giảm thiểu những tác động lên lợi nhuận. Thậm chí, một số những hoạt động quảng bá tại Trung Quốc của hãng cũng sẽ tạm ngưng.

Phía Carlsberg cũng không quên nhắc đến luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực tại Việt Nam, một thị trường quan trọng của Carlbergs tại châu Á, cũng đang làm khó đến doanh số của nhà sản xuất bia đến từ Đan Mạch.

Thừa Vân

FILI