Ông Trần Xuân Bách (BVS): ‘Chỉ số ít cổ phiếu ngân hàng có thể đánh bại được thị trường năm 2020’

Ông Trần Xuân Bách (BVS): ‘Chỉ số ít cổ phiếu ngân hàng có thể đánh bại được thị trường năm 2020’

Trao đổi về chiến lược đầu tư năm 2020, ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của CTCK Bảo Việt (BVS) cho rằng: “Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận và có khả năng dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, do mức tăng lợi nhuận không đồng đều, nên có thể chỉ số ít các cổ phiếu ngân hàng đánh bại được VN-Index trong năm tới.”

* Ngành ngân hàng 2020: Khó khăn cho ngân hàng nhỏ?

Về tổng quan, ông kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2020? Đâu là cơ hội và thách thức trong năm tới?

Ông Trần Xuân Bách: VN-Index kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm tới, tương đương mức tăng trưởng của EPS. Chỉ số có thể đạt mức cao nhất 1,070 - 1,110 điểm và thanh khoản tăng khoảng 15% so với năm 2019. Với giả định này, P/E và P/B của Việt Nam sẽ ở các mức lần lượt là 14 và 2 lần. Nhìn lại năm 2019, P/E của thị trường ở mức 16 lần còn P/B là 2.3 lần - mức định giá này của thị trường Việt Nam không quá đắt cũng không rẻ so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực.

Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của dòng tiền. Thị trường có thể sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như dòng vốn vào Việt Nam thông qua các quỹ ETF, dòng vốn từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, ký kết thành công hiệp định EVFTA, việc Ngân hàng Trung ương các nước, Fed sẽ không thay đổi và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thêm vào đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2020 có thể đạt mức trên 13%, cao hơn mức tăng 10% trong năm 2019.

Ngược lại, những thách thức đối với thị trường trong năm tới có thể kể đến như sự leo thang của thương chiến Mỹ - Trung, các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam (FDI, xuất nhập khẩu yếu đi), rủi ro từ các khoản cá nhân vay mua nhà tại các dự án bất động sản, rủi ro từ hoạt động cho vay dưới chuẩn, trái phiếu doanh nghiệp, vay margin…

Theo ông, nhà đầu tư nên xây dựng chiến lược đầu tư thế nào trong 6 tháng đầu năm 2020? Liệu kênh đầu tư chứng khoán có tiềm năng sinh lợi cao hơn các kênh khác như bất động sản hay vàng trong thời gian tới?

Ông Trần Xuân Bách: Nếu so sánh với các kênh đầu tư khác như bất động sản hay vàng thì chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020, nhờ sự ổn định

Ông Trần Xuân Bách

của kinh tế vĩ mô và tăng trưởng nhanh của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng nhà đầu tư nên xem xét phân bổ danh mục của mình vào cổ phiếu với một tỷ trọng hợp lý và nên tập trung vào nhóm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản ổn định và còn dư địa tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể xem xét phân bổ một phần danh mục vào trái phiếu. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm tài chính khá phức tạp, nên nếu không có sự phân tích và tìm hiểu kỹ lưỡng thì vẫn có thể gặp rủi ro. Tôi khuyên nhà đầu tư nên chọn những trái phiếu doanh nghiệp tốt từ các nhà phát hành uy tín.

Những nhóm ngành nào có tiềm năng nhất trong nửa đầu năm 2020? Ông dự báo nhóm ngành nào sẽ có câu chuyện để tạo sóng mạnh như thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp trong năm 2019?

Ông Trần Xuân Bách: Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận và có khả năng dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, do mức tăng lợi nhuận không đồng đều, nên có thể chỉ số ít các cổ phiếu ngân hàng đánh bại được VN-Index trong năm tới.

Cùng với một số ngân hàng, các doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến, chế tạo do đã hưởng lợi nền lãi suất thấp trong nhiều năm gần đây, một số doanh nghiệp tận dụng để mở rộng được sản xuất có thể tạo được quy mô kinh doanh tốt hơn trong năm 2020, từ đó, tác động tới tăng trưởng lợi nhuận và có tác động tích cực tới giá cổ phiếu. Điều này, có thể quan sát được ở nhóm cổ phiếu thép và có thể là dầu khí.

Bên cạnh đó, ngành Công nghệ thông tin và Bán lẻ cũng sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong khi định giá đang quay về vùng hấp dẫn hơn. Những câu chuyện của các ngành trên có thể được nhắc tới nhiều hơn khi dòng tiền quay trở lại thị trường.

Ngân hàng được dự báo là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020

Theo ông, nhà đầu tư nên chú trọng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa hay nhỏ trong thời gian tới?

Ông Trần Xuân Bách: Trong năm 2020, tôi cho rằng các doanh nghiệp có định giá rẻ dù vẫn thu hút được sự chú ý của dòng tiền nhưng mức độ quan tâm có thể sẽ bị giảm bớt, thay vào đó nên chọn các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc làm tiêu chí phòng thủ trong trường hợp thị trường diễn biến kém thuận lợi. Các doanh nghiệp có sự trở lại mạnh mẽ của kết quả kinh doanh do chịu tác động lớn từ chu kỳ kinh doanh trong một vài năm gần đây.

Cơ hội sẽ được chia đều cho cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa và nhỏ theo từng thời điểm nhất định trong năm 2020.

Điều quan trọng vẫn nằm ở việc phân tích và lựa chọn đúng các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận, kết hợp với việc timing các thời điểm mua bán hợp lý theo từng doanh nghiệp cụ thể.

Bên cạnh thị trường cơ sở, ông đánh giá thế nào về cơ hội từ các sản phẩm khác trên thị trường như phái sinh hay chứng quyền có đảm bảo?

Ông Trần Xuân Bách: Các sản phẩm này sẽ giúp nhà đầu tư có thêm các sự lựa chọn khi đầu tư trên thị trường. Đặc biệt đối với sản phẩm phái sinh, nhà đầu tư có thể tham gia tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở rơi vào giai đoạn suy giảm. Mặc dù vậy, đây đều là các sản phẩm tài chính cao cấp, đòi hỏi nhà đầu tư khi tham gia phải có nền tảng kiến thức nâng cao, đồng thời tiềm ẩn khá nhiều rủi. Vì vậy, khi tham gia vào các kênh đầu tư này nhà đầu tư cũng sẽ phải đối mặt với khá nhiều rủi ro nếu không trang bị cho mình các công cụ đầu tư hiệu quả.

Trái phiếu doanh nghiệp đang kênh đầu tư khá nóng trong thời gian qua, theo ông, đây có phải là kênh đáng đầu tư năm 2020? Nhà đầu tư nên chú trọng điều gì khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

Ông Trần Xuân Bách: Với góc nhìn tích cực, tôi cho rằng tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 đã giúp tạo thêm kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được nguồn vốn qua tín dụng, hay huy động bằng phương thức phát hành tăng vốn.

Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi cho rằng đó là sự phát triển của thị trường, tạo cơ hội cho cả đơn vị phát hành và nhà đầu tư có cơ hội gặp gỡ, lựa chọn để ra quyết định đầu tư.

Ở một góc nhìn thận trọng hơn, việc phát triển quá nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sẽ tạo ra cơ hội để một số sản phẩm trái phiếu có chất lượng chưa cao được đưa ra thị trường và đó là rủi ro cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần phải phân tích, đánh giá kỹ để lựa chọn được các sản phẩm trái phiếu tốt đồng thời giảm thiểu được rủi ro.

Xin cám ơn ông!

Xuân Nghĩa

FILI