Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành bất động sản (Kỳ 3)

Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành bất động sản (Kỳ 3)

Bên cạnh phân khúc khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng thì bất động sản khu công nghiệp cũng thu hút được sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành bất động sản (Kỳ 1)

Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành bất động sản (Kỳ 2)

NLG - CTCP Đầu tư Nam Long

Giai đoạn 2019 - 2021 sẽ là điểm rơi lợi nhuận của công ty với số căn hộ bàn giao gấp 3 lần giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra, NLG cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25%-30% trong vòng 3 năm tới.

Năm 2020, NLG cho biết dự kiến sẽ có khoảng 2,700 sản phẩm được tung ra thị trường từ các dự án rất tiềm năng đang triển khai như khu đô thị Waterpoint, Mizuki, Akari, Nam Long Hải Phòng...

Bên cạnh đó, việc bắt tay với 2 đối tác chiến lược là Nishi-Nippon Railroad (Nishitetsu) và Hankyu Reatly (Hankyu) giúp NLG tận dụng được nguồn vốn giá rẻ cũng như san sẻ rủi ro trong kinh doanh. Cụ thể, hai nhà đầu tư Nhật và NLG cùng góp vốn theo tỷ lệ 50%-50%. Sau khi các dự án đã đảm bảo được tính pháp lý, NLG sẽ bàn giao một nửa, qua đó ghi nhận được ngay một phần lợi nhuận, đồng thời tái đầu tư vào các dự án khác.

Tỷ trọng nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn giảm dần qua các năm. Tỷ lệ DER giảm từ mức 59.53% vào năm 2013 xuống còn khoảng 16% vào giai đoạn cuối năm 2019. Điều này sẽ giúp hạn chế bớt tác động tiêu cực từ chính sách siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đối với bất động sản đến NLG.

Nguồn: NLGVietstockFinance

NLG đang dao động trong kênh giảm ngắn hạn từ tháng 08/2019 đến nay. Khối lượng không ổn định nên quá trình tích lũy, giằng co sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Ngưỡng kháng cự hiện tại của NLG là cận trên của kênh giảm ngắn hạn (tương đương vùng 28,000-28,500). Ngưỡng này cũng trùng với đỉnh cũ tháng 11/2019.

Vùng 25,500-26,500 được đánh giá là khá mạnh và có độ tin cậy cao nhờ đã được test nhiều lần cùng với ngưỡng hỗ trợ quan trọng là trendline dài hạn (điểm bắt đầu là tháng 12/2016) và cận dưới của kênh giảm ngắn hạn. Việc mua dần dần ở vùng này và giải ngân thêm khi NLG bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự chính được giới phân tích ủng hộ mạnh mẽ.

Nguồn: VietstockUpdater

DIG - Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng

Năm 2019, DIG đã chi hơn 2,900 tỷ đồng để giải ngân vào 15 dự án; qua đó ước tính mang về 2,312 tỷ đồng doanh thu thuần (hợp nhất) và 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (hợp nhất), hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Trong đó, ba dự án Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên, DIC Phoenix (TP Vũng Tàu) và Chung cư Vũng Tàu Gateway đóng góp phần lớn vào doanh thu của DIG, với mức doanh thu dự kiến lần lượt đạt 452 tỷ đồng, 432 tỷ đồng và 412 tỷ đồng.

Trong năm 2020, DIG kỳ vọng mang về 3,500 tỷ đồng doanh thu thuần (hợp nhất). Về lợi nhuận trước thuế, DIG đặt chỉ tiêu hợp nhất đạt 850 tỷ đồng, tăng 55% so với ước tính thực hiện của năm 2019. Lợi nhuận năm tới sẽ đến từ 3 dự án chủ yếu gồm dự án tổ hợp Chung cư Vũng Tàu Gateway - Trung tâm Chí Linh, Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 1 - TP Vũng Tàu và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. Đồng thời, công ty cũng đang có kế hoạch chào bán toàn bộ cụm khách sạn Pullman và dự án Condotel Landmark do tỷ suất lợi nhuận của mảng này còn thấp, trong khi giá trị tài sản khá cao.

Với hơn 10 dự án đặt tại các khu đô thị cấp II như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Bình, Đồng Nai, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... ban lãnh đạo DIG nhận định doanh thu của Công ty sẽ ổn định trong các năm tới.

Nhìn chung, chiến lược phát triển của DIG trong giai đoạn 2019 - 2021 là đầu tư bất động sản vào 02 lĩnh vực chính là Home; Land (khu đô thị; nhà ở, chung cư, biệt thự...); Hotels và Resorts (khách sạn, resort, goft, khu vui chơi giải trí...). DIG sẽ tái cấu trúc (sát nhập, thoái vốn...) một số công ty không hoạt động hiệu quả cũng như tăng cường hợp tác quốc tế đồng thời tập trung kinh doanh khai thác các khách sạn sẵn có với tổng số phòng khoảng 1,000 phòng.

Nguồn: VietstockFinance

Chú thích: Khoản mục Người mua trả tiền trước vẫn chưa có số liệu cuối năm 2019 nên trong đồ thị đang thể hiện số cuối quý 3/2019.

Về mặt dài hạn, DIG đang dao động trong kênh đi ngang bắt đầu từ tháng 09/2018 với cận trên là vùng 15,800-16,400 và cận dưới là vùng 11,900-12,500. Hiện DIG đang test lại đường trendline dài hạn (bắt đầu từ tháng 02/2017). Do ngưỡng này đang ở khá gần đáy cũ tháng 08/2019 nên khả năng trụ vững được nâng lên.

Nhà đầu tư có thể mua DIG từ từ trong vùng 12,000-13,000 với mục tiêu giá (target price) dự kiến là 16,000-17,000.

Nguồn: VietstockUpdater

BCM - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP

BCM đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành và lợi nhuận cao nhất. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều khu công nghiệp trên khắp cả nước với diện tích lớn và được quản lý chuyên nghiệp.

Trong đó, khu công nghiệp Becamex - Bình Phước được đánh giá sẽ là điểm nhấn lớn nhất. Với tổng diện tích 4,633 ha và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khu công nghiệp này sẽ trở thành cửa ngõ hàng hóa, dịch vụ, giao lưu nội địa và quốc tế trong tương lai.

Nguồn: BCM

BCM cũng không hẳn là mạnh toàn diện. Vấn đề của BCM nằm ở việc chuyển đổi từ một doanh nghiệp mang tính địa phương thành một thế lực ở tầm quốc gia. Các doanh nghiệp khác như TID ở Đồng Nai, Saigon Co.op ở TP Hồ Chí Minh… cũng phải đối diện với vấn đề tương tự. Đây là thử thách rất khó khăn và không dễ để vượt qua.

Khi là “gà nhà” của địa phương thì việc làm ăn khá dễ dàng do sự ưu ái từ chính quyền cũng như sự quen thuộc môi trường kinh doanh. Điểm tốt của điều này là sẽ giúp doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững chắc và rất khó bị sụp đổ. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài quá lâu sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh bị giảm đi. Khi đó, tình trạng “lớn nhưng không mạnh” sẽ diễn ra và dẫn đến tăng trưởng kém đi. Việc thành lập liên doanh với Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ) có thể coi như một nỗ lực không nhỏ của BCM để bứt phá trong tương lai.

Sau khi tạo đỉnh vào tháng 08/2019 thì BCM đã liên tục lao dốc mạnh. Chỉ trong vòng 4-5 tháng, giá cổ phiếu đã điều chỉnh hơn 20%.

BCM đã chững đà giảm khi test tại vùng 25,000-26,500. Đây chính là đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 04/2018 nên có khả năng hỗ trợ rất mạnh. Khối lượng liên tục sụt giảm và thường xuyên nằm dưới mức trung bình 20 phiên nên khả năng cao BCM sẽ tiếp tục giằng co gần vùng này trong những phiên tới.

Việc mua vào trong vùng giá 25,000-26,500 được giới phân tích kỹ thuật ủng hộ mạnh mẽ.

Nguồn: VietstockUpdater

KBC - Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP

KBC cũng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao từ các tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, Sentec, Toyo Ink Industries, …

Nguồn thu chính của KBC vẫn chủ yếu đến từ khu vực miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang). Đây là khu vực dự kiến sẽ hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc nhờ vào vị trí địa lý. KBC sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quế Võ, KCN Tràng Duệ, KĐT Phúc Ninh. Đây sẽ là những động lực tăng trưởng mới của KBC trong tương lai.

Nhìn về mặt dài hạn, KBC vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng. Đường trendline tăng dài hạn (bắt đầu từ tháng 07/2018) sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh của KBC nếu có điều chỉnh bất ngờ (thrust down) xảy ra.

Vùng 16,500-17,000 sẽ là ngưỡng kháng cự chính của KBC trong thời gian tới. Việc giải ngân có thể được tiến hành khi giá về vùng 14,700-15,500.

Nguồn: VietstockUpdater

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI