Doanh nghiệp chia cổ tức “khủng”: Cổ đông nhỏ lẻ có phần?

Doanh nghiệp chia cổ tức “khủng”: Cổ đông nhỏ lẻ có phần?

Kết năm 2019, đã có 883 doanh nghiệp đã chốt quyền chia cổ tức. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất lên tới 400%.

Là phần lợi nhuận sau thuế (LNST) được chia cho các cổ đông của công ty sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định, cổ tức là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn cổ phiếu. Mặt khác, “phần thưởng” này cũng phần nào phản ánh sức khỏe tài chính của mỗi công ty. Đặc biệt, việc chia cổ tức bằng tiền mặt được rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng so với chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi tâm lý ưa thích “tiền tươi thóc thật”.

Theo thống kê của Vietstock, đã có 883 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2019. Trong đó, có 228 doanh nghiệp trên sàn HOSE, 199 doanh nghiệp trên sàn HNX và 456 doanh nghiệp trên UPCoM.

Tỷ lệ chia cổ tức bình quân của các doanh nghiệp đạt mức 16.6%; với mức chia cao nhất thuộc về Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) đạt 400%, mức chia cổ tức thấp nhất thuộc về Nước sạch Lai Châu (UPCoM: LCW) đạt 0.095%. Trong đó, 10 doanh nghiệp đứng đầu có tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn, từ 93% cho đến 400%.

Chân dung Top 10 doanh nghiệp chia cổ tức khủng

Top 10 doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt cao 2019
(Số liệu được tính tới ngày 31/12/2019)

(*) Tỷ lệ trả cổ tức được cộng dồn nhiều đợt tính từ 01/01 - 31/12/2019

WCS dẫn đầu với tỷ lệ chia cổ tức 400% cho năm 2018, chia làm 2 đợt trong năm 2019 Động thái chia cổ tức “khủng” lần này liên quan đến tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các bến xe mới của WCS. Các năm trước Công ty sẽ giữ lại lợi nhuận để tham gia đầu tư bến xe mới, tuy nhiên, đến hiện tại việc triển khai thực hiện vẫn phải chờ.

Trong 7 năm qua (giai đoạn 2012 - 2018) WCS vẫn mạnh tay chi trả cổ tức với tỷ lệ bình quân hơn 27%/năm. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên Công ty mạnh tay đến vậy.

Lợi nhuận WCS tăng đều qua các năm. Nguồn: VietstockFinace

Đứng thứ 2 về tỷ lệ chia cổ tức 240% cho năm 2018, đây không phải là lần đầu tiên Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) chia cổ tức khủng. Ở năm trước, Công ty cũng đã từng chia cổ tức với tỷ lệ lên đến 660%. Trong năm nay, HĐQT của Công ty dành gần 100% LNST năm 2018 để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tổng số tiền mà Công ty đã bỏ ra lên tới 638 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, VCF mang về 415 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với mức lợi nhuận này, giả sử VCF tiếp tục chi hết cho cổ tức trong năm 2020,  tỷ lệ cổ tức 2019 sẽ đạt 156%.

Tiếp đến, Dịch vụ Trực tuyến FPT (UPCoM: FOC) chỉ mới lên sàn UPCoM cuối năm 2018, nhưng từ đầu 2019 đến nay, Công ty đã chi ra gần 339 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ 230%.

Về mặt hoạt động, FOC luôn duy trì kết quả kinh doanh ổn định ở mức tốt khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng dần qua các năm. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư kỳ vọng cho các đợt cổ tức tiếp theo.

Nguồn: VietstockFinace

Các tên khác dẫn đầu về độ “chịu chơi” trả cổ tức như  NTC, HAD, MH3, DSN

Ở vị trí cuối top 10, Sách và Thiết bị Trường học Đà Nẵng (HNX: BED) cũng chi ra số tiền ít nhất trong các doanh nghiệp trên. Do lượng cổ phiếu lưu hành thấp, ước tính số tiền BED bỏ ra cho kỳ chia cổ tức lần này gần 28 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức 93%.

Trong 7 năm qua (kể từ 2013), BED luôn duy trì việc chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ tối thiểu là 12%.

Nguồn: VietstockFinace

Năm 2018, nhờ có sự đóng góp rất lớn của việc chuyển nhượng nhà đất tại Tp.HCM, nên các chỉ tiêu của BED đều đạt và vượt mong đợi, BED đã mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 93%.

Tiền về túi ai nhiều nhất?

Cổ tức cao là điều mà gần như nẳm trong kỳ vọng của bất kỳ nhà đầu tư nào. Vậy “trái ngọt” sẽ thuộc về ai đối với top 10 doanh nghiệp kể trên?

Cơ cấu cổ đông lớn của Top 10 doanh nghiệp

Nguồn: VietstockFinance

Có thể thấy, tỷ lệ cổ đông lớn của các doanh nghiệp trên hầu hết đều hơn 51%, thậm chí có doanh nghiệp tỷ lệ này lên đến gần 100%. Giả sử cơ cấu cổ đông lớn của top 10 doanh nghiệp không thay đổi vào ngày đăng ký cuối cùng, thì phần lớn lợi nhuận đã chuyển về các cổ đông trên.

Thực tế 9/10 doanh nghiệp được các cổ đông tổ chức sở hữu và chiếm tỷ lệ lớn, trên 30%; đối với doanh nghiệp còn lại là BED cũng do các thành viên trong Công ty như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT nắm giữ phần lớn cổ phần.

Bênh cạnh đó, đối với một số trường hợp như FOC, VCF… cổ tức có vẻ là kênh chuyển lợi nhuận về Công ty mẹ.

Có thể thấy, dù vẫn còn “room” để các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia “săn” cổ tức; tuy nhiên, cơ hội chen chân của những nhà đầu tư này dường như khó hơn khi tỷ lệ còn lại chưa tới 1/2 số lượng cổ phần. Thậm chí, đối với doanh nghiệp có số tiền chi cổ tức cao nhất là VCF (638 tỷ đồng) thì cơ hội dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không có khi tỷ lệ còn lại chỉ hơn 1%.

Cổ tức cao “đẩy” giá cổ phiếu?

Tuy “room” cho cổ đông nhỏ khá hẹp, việc chia cổ tức khủng của các doanh nghiệp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu được đẩy mạnh trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu  BED tăng trần và đạt mức 52,000 đồng/cp vào giữa tháng 4/2019, dù trước đó cổ phiếu này gần như không giao dịch. Chính việc chia cổ tức với tỷ lệ lên tới 93% được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu BED tăng mạnh.

Hay cổ phiếu Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) đã tăng giá gần 28% chỉ sau 10 phiên giao dịch, từ vùng giá 21,200 đồng/cp lên 27,100 đồng/cp ngay sau thông tin Công ty này chia cổ tức đợt 3/2018 với tỷ lệ 54.5%.

Quay về những năm trước, khi VCF công bố chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 660%, giá cổ phiếu đã có đợt tăng “khủng” gần 27% chỉ sau 4 phiên giao dịch (kể từ ngày 5/12/2017).

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu rút hầu bao chi cổ tức khủng nhất trong năm 2019 là WCS.

Như Xuân 

FILI