Chủ tịch Lê Phước Vũ: Lợi nhuận năm 2020 là chắc chắn, tài chính HSG sẽ cân đối trong 2 năm

Chủ tịch Lê Phước Vũ: Lợi nhuận năm 2020 là chắc chắn, tài chính HSG sẽ cân đối trong 2 năm

“Giai đoạn thử thách nhất của HSG thì chúng ta đã chính thức vượt qua”, Chủ tịch Lê Phước Vũ nói mở đầu tại Đại hội Thường niên 2019 - 2020 của HSG. Ông nhắc lại quá khứ rằng cổ phiếu đã từng bật tăng mạnh khi Tập đoàn vượt qua thời kỳ khó khăn năm 2010.

Chủ tịch Lê Phước Vũ phát biểu mở đầu Đại hội. Ảnh: Thừa Vân

Sáng ngày 13/01/2019, ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính (NĐTC) 2019 - 2020 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã được tổ chức.

Thử thách đã qua

NĐTC 2018 - 2019 cũng là thời điểm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành tôn mạ gặp nhiều thử thách. “Kinh doanh trong một chu kỳ giá nguyên liệu giảm (thép cán nóng) thì việc tìm kiếm lợi nhuận là nhiệm vụ rất khó khăn”, Phó Tổng Giám đốc Hồ Thanh Hiếu chia sẻ. Đại diện HSG cũng liệt kê một số yếu tố ảnh hưởng lớn đến Tập đoàn trong năm vừa qua như thương chiến Mỹ - Trung, thị trường xuất khẩu khó khăn và nội địa thì cạnh tranh khốc liệt.

Trong NĐTC vừa qua, HSG vẫn có được lợi nhuận nhờ đã hoàn thiện mô hình quản lý hệ thống phân phối (HTPP). Tập đoàn thay đổi chiến lược tập trung vào khả năng sinh lời chứ không cạnh tranh về giá.

Giá thép cán nóng giảm, do đó, chúng tôi không thể tiến hành nhập hàng nhiều do càng làm vậy thì thì phần chịu lỗ khi giảm giá càng lớn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được chiến lược này”, ông Hiếu nói.

Theo đó, HSG đã làm được nhờ có HTPP lớn giúp đảm bảo đầu ra để có thể tự tin ổn định giá bán. Chất lượng sản phẩm được chú trọng, HSG không cắt giảm chất lượng để giảm giá nhằm cạnh tranh. Điểm cuối cùng là nhờ thương hiệu lớn nên người dân và chủ đầu tư tin dùng sản phẩm của HSG. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng tập trung tiết giảm chi phí tối đa, trong đó chủ yếu nhắm vào các chi phí tài chính, chi phí hàng tồn kho, vận chuyển và nhân viên.

“Cung càng vượt cầu thì người ta sẽ càng cạnh tranh về giá. Đến hạn ngân hàng đâu thể không trả do đó mà họ phải bán rẻ trước mắt để trả nợ vay. Hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng đó nhưng HSG thì không hề.” - Chủ tịch Phước Vũ chia sẻ.

Cho NĐTC 2019 - 2020, Ban điều hành HSG lên kế hoạch theo giả định giá thép cán nóng xoay quanh 500 - 520 USD/tấn. Theo đó, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1.5 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 28,000 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ tiếp tục tái cấu trúc và từng bước cải thiện hơn nữa tình hình tài chính. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 400 tỷ đồng, tăng 11% so với NĐTC trước. “Con số lợi nhuận như vậy là chắc chắn”, Chủ tịch Lê Phước Vũ khẳng định.

Biểu đổ so sánh giá thép cuộn cán nóng và giá bán sản phẩm của HSG. Ảnh: Thừa Vân

Tài chính sẽ cân đối

Theo ông Vũ, HSG lúc nào cũng mượn tiền để tấn công nhưng giờ đây sẽ “chơi phòng thủ”. Trong những năm tới, Tập đoàn ưu tiên sự lành mạnh của BCTC. Đồng thời, hoạt động đầu tư cũng sẽ hết sức thận trọng, không ồ ạt như thời gian trước.

Ông chia sẻ rằng, trong NĐTC vừa qua HSG đã giảm mất cấn đối tài chính từ mức 2,000 tỷ đồng xuống còn 1,300 - 1,400 tỷ đồng. Trong NĐTC 2019 - 2020, HSG dự kiến sẽ tiếp tục giảm con số mất cân đối tài chính chỉ còn 300 tỷ đồng. “Đây là mức rất nhỏ so với quy mô Tập đoàn”, ông Vũ cho biết.

Chủ tịch HSG cũng tiết lộ trong tháng 1-2/2020 doanh nghiệp dự kiến sẽ lãi vài chục tỷ đồng mỗi tháng, tháng thứ 3 có thể lãi từ 50 - 100 tỷ đồng.

Dòng tiền của HSG trong NĐTC 2019-2020 được dự kiến ở mức 1,600 tỷ đồng, bao gồm khấu hao (1,200 tỷ đồng) và lợi nhuận, nhờ đó có thể giảm dư nợ. “Niên độ 2020 - 2021 sẽ tương tự như vậy, giúp chi phí tài chính của chúng ta có thể giảm vài chục tỷ đồng mỗi năm”.

Cụ thể hơn, ông Vũ dự kiến dư nợ của HSG sẽ giảm thêm ngàn tỷ đồng, xuống còn khoảng 8,000 tỷ đồng vào cuối NĐTC 2019-2020 và đến cuối NĐTC 2020-2021 sẽ còn xấp xỉ 6,000 tỷ đồng. “Như vậy không lý do gì cổ phiếu HSG không lên lại. Nhưng với điều kiện ông Trump không nghĩ ra ý tưởng gì độc đáo nữa”, ông nói.

Ông Vũ cũng cho biết những khó khăn của HSG thực chất đều từ… Tổng thống Trump. “Việc Mỹ đánh thuế là biến động cực lớn. HSG đã vun đắp lợi thế cạnh tranh bằng các nhà máy tại Quy Nhơn, Nghệ An và hàng trăm chi nhánh để tạo đà. Khi chúng ta đến bước nhảy cuối cùng thì bị ông Trump quăng gạch… vì thế mà liểng xiểng. Nhưng Tập đoàn đã vượt qua được.”

“Tôi bị gì Tập đoàn cũng không sao hết”

Tại Đại hội, ông Vũ cho biết trong hơn 3 năm qua ông ít có mặt tại văn phòng Tập đoàn. “Anh em đủ sức điều hành mà không cần đến tôi. Một tập đoàn lớn như HSG không hề phụ thuộc vào Lê Phước Vũ. Tôi có bị gì thì Tập đoàn cũng sẽ không sao hết”, ông Vũ hóm hỉnh.

Ông Vũ cho biết HSG đã tái cơ cấu triệt để toàn bộ. Thời điểm cao nhất toàn Tập đoàn có 9,700 nhân viên thì đến nay đã giảm 1/3 số lượng. HSG đã tái cơ cấu hệ thống phân phối, tiết giảm hàng trăm kế toán tại cửa hàng và tiến hành điều hành thông qua hệ thống ERP.

“Hai mấy năm qua chúng ta đá tấn công và luôn thắng. Khó khăn ngành tôn thép thực tế tôi đã dự báo cách đây 5 năm và đã có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, Dự án Cà Nà là mũi nhọn để giúp Tập đoàn đột phá khỏi tình thế thì rất tiếc là lại không làm được. Chúng ta từ con số 0 phát triển đến bây giờ là rất khó nhưng muốn lên nữa là đụng trần vì không có Cà Ná.” - ông Vũ chia sẻ. Vị Chủ tịch cũng thừa nhận rằng HSG phải quay trở lại ngành tôn vì không thể thực hiện bước nhảy đột phá này.

“Niềm vui chung là quý vừa qua chúng ta báo lãi tăng trưởng. Hy vọng cổ phiếu của HSG sẽ tăng. Nếu không có biến động lớn thì BCTC của Tập đoàn sẽ đẹp hơn rất nhiều. Giá cổ phiếu HSG sẽ có thể về lại giá trị sổ sách tầm 15,000 - 16,000 đồng/cp. Tôi nhớ năm 2010 có người mua vào HSG ở giá 7,000 - 8,000 đồng để rồi kiếm lời lớn sau đó. Vậy giờ ta có nên mua cổ phiếu HSG hay không?” - ông Vũ đặt câu hỏi.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. Ảnh: Thừa Vân

Thừa Vân

FILI