Trung Quốc đau đầu vì vỡ nợ lên mức kỷ lục

Trung Quốc đau đầu vì vỡ nợ lên mức kỷ lục

Các cơ quan tài chính của Trung Quốc đang kêu gọi xử lý các vụ vỡ nợ minh bạch hơn và hợp lý hơn để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu lớn thứ hai trên thế giới, sau khi số lượng vụ vỡ nợ chạm mức kỷ lục trong năm nay.

Các quan chức cấp cao từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), tòa án tối cao và các ban khác đang bàn luận về việc giải quyết tranh chấp qua trung gian tòa án trong các vụ vỡ nợ trái phiếu tại hội nghị chuyên đề ở Bắc Kinh vào ngày thứ Ba (24/12), theo một tuyên bố trên trang web của PBoC.

Việc cải thiện cơ chế xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu là rất cần thiết để ngăn chặn và giải quyết rủi ro tài chính và phải được thực hiện theo một cách dựa trên cơ sở thị trường và tôn trọng pháp quyền, tuyên bố trích lại quan điểm của Liu Guoqiang, Phó Thống đốc PBoC. Zou Lan, quan chức cấp cao phụ trách thị trường tài chính tại PBoC, thúc giục xử lý hiệu quả hơn các trường hợp vỡ nợ tại hội nghị này, tờ Financial News ghi nhận trong ngày thứ Tư (25/12).

Giá trị của các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 130 tỷ Nhân dân tệ tính tới thời điểm này trong năm 2019, vượt mức đỉnh năm trước là 122 triệu Nhân dân tệ, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg. Làn sóng vỡ nợ làm dấy lên nỗi lo về rủi ro tái tài trợ và khả năng giữ ổn định trên thị trường tài chính của Chính phủ giữa lúc nền kinh tế giảm tốc.

Tất cả trái chủ nên được đối xử trên cơ sở bình đẳng trong quá trình giải quyết tranh chấp, ông Liu cho biết.

Các khoản dàn xếp thanh toán không công khai rất thường xảy ra ở Trung Quốc sau khi các công ty rơi vào tình thế không thể trả nợ đúng hạn. Các thông lệ mù mờ bao gồm ưu tiên chi trả cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn là các chủ nợ tổ chức hoặc trả nợ nước ngoài trước. Một điều khiến các chuyên viên phân tích lo ngại là khi các công ty vay nợ không thể thanh toán nợ đúng hạn, họ thường thương lượng gia hạn nợ với các chủ nợ thông qua trao đổi bí mật thay vì giải quyết thông qua cơ quan thanh toán bù trừ.

Trung Quốc đã bắt đầu phát triển một hệ thống gia hạn trái phiếu dựa trên thị trường và giao dịch các trái phiếu đã bị vỡ nợ như là một phần của nỗ lực “xây dựng cơ chế nhiều lớp” (multi-layer mechanism) để đa dạng hóa cách tiếp cận đối với việc xử lý vỡ nợ, ông Liu cho biết. Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan thị trường trái phiếu khác nhau, và trọng tâm sẽ là cải thiện quy định công khai thông tin trên thị trường trái phiếu, ông nói thêm.

Tại hội nghị chuyên đề vào ngày thứ Ba (24/12), Zhou Qiang, Chủ tịch của Tòa án Nhân dân tối cao, hứa sẽ nâng cao bảo vệ quyền của nhà đầu tư, như buộc các nhà phát hành trái phiếu phải chịu trách nhiệm công bố thông tin.

Theo bà Monica Hsiao, Giám đốc đầu tư của quỹ phòng hộ Triada Capital, vỡ nợ ở Trung Quốc có thể tăng ở cả thị trường trái phiếu trong và ngoài nước vào năm tới trong bối cảnh nguồn tài chính bị thắt chặt, đồng thời các công ty quốc doanh yếu hơn và các đơn vị tìm kiếm nguồn tài chính của chính quyền địa phương có thể gặp rủi ro. Các công ty bất động sản của nước này, mà theo truyền thống được coi là “bức tường bảo vệ” của nền kinh tế, cũng có thể dễ bị tổn thương.

Nhiều nhà đầu tư mong đợi Chính phủ Trung Quốc sẽ ít phải ra tay cứu trợ hơn sau khi gần đây, họ cho phép tập đoàn giao dịch hàng hóa Tewoo Group vỡ nợ. Đây được xem là trường hợp vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD lớn nhất của một công ty quốc doanh Trung Quốc trong hai thập niên qua. Trước đây, nhờ dòng tiền rẻ, các công ty trong khu vực đã mua sắm vô tội vạ. Những yếu tố đó có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020, sau khi các vụ vỡ nợ ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2019.

“Sự giảm tốc của Trung Quốc và khả năng vỡ nợ ở nước này có lẽ cũng đang có hiệu ứng dây chuyền trong khu vực”, David Kidd, đồng sở hữu tại Linklaters, cho biết.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI