Những doanh nghiệp đối mặt nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2020

Những doanh nghiệp đối mặt nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2020

Bên cạnh những doanh nghiệp công bố lợi nhuận khủng, thì nhiều doanh nghiệp đang phải khóc ròng khi sắp không thể trụ lại trên sàn chứng khoán do lỗ triền miên từ cuối năm 2017 sang đến 9 tháng đầu năm 2019.

Niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong những bước đệm để các doanh nghiệp minh bạch thông tin cũng như thu hút thêm nhà đầu tư. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội đó để mở rộng kết quả sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết sau một thời gian không thể trụ nổi trên sàn và cũng xuất hiện những gương mặt có khả năng bị hủy yết bắt buộc trong năm 2020.

Theo điều số 14, Nghị định 14/2007/NĐ-CP ban hành ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, có 2 trường hợp hủy bỏ niêm yết là hủy niêm yết bắt buộc và hủy niêm yết tự nguyện.

Hủy niêm yết bắt buộc là trường hợp công ty niêm yết không còn đáp ứng được các quy định như ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ một năm trở lên; sản xuất kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất.

Năm 2019, có 9 doanh nghiệp buộc hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Còn theo số liệu thống kê của Vietstock, có 9 doanh nghiệp đang đứng sát mép vực hủy niêm yết. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng lao dốc không phanh song song với kết quả kinh doanh báo lỗ triền miên.

Các doanh nghiệp có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2020. Đvt: Tỷ đồng

Mặc dù đã cải thiện kết quả kinh doanh khi giảm lỗ qua từng năm, nhưng Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) vẫn ghi nhận lỗ tiếp hơn 117 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 do tăng mạnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Tổng lỗ lũy kế tính đến 30/09/2019 ở mức khổng lồ khi lỗ hơn 3,800 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 4,000 tỷ đồng. Hiện tại, giá cổ phiếu PVX đang mất kiểm soát khi liên tục lao dốc và giảm hơn 92% kể từ khi niêm yết vào ngày 19/08/2009.

Từng chạm ngưỡng giá gần 33,000 đồng/cp vào khoảng tháng 7/2016, sau đó là chuỗi ngày trượt dài của cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc về mức còn 500 đồng/cp. Giá cổ phiếu HKB bất ngờ giảm sâu sau đợt phát hành thành công 30 triệu cổ phiếu (27/07/2016) cho cổ đông hiện hữu. Kéo theo đó là các nhà đầu tư liên tục thoát hàng, đặc biệt vào ngày 22/02/2017 với khối lượng cao nhất gần 10 triệu cp và kết quả HKB báo lỗ hơn 67 tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2018, do tái cơ cấu, HKB tiếp tục ghi nhận mức lỗ gần 143 tỷ đồng. Mặc dù năm 2019 mức lỗ này đã được cải thiện nhưng vẫn ghi nhận âm 39 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 và có khả năng cao sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc.

Diễn biến giá cổ phiếu HKB từ khi niêm yết
Nguồn: VietstockFinance

Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HOSE: TCR) may mắn hơn khi lội ngược dòng báo lãi quý 3/2019 hơn 15 tỷ đồng sau 10 quý lỗ liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm TCR vẫn ghi nhận lỗ 36 tỷ đồng. Nếu kết thúc năm 2019, TCR không vực dậy được lợi nhuận thoát khỏi con số âm thì nguy cơ cao sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi trên HOSE.

Mặc dù kết thúc 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (HNX: ACM) đã giảm khoản lỗ xuống gần 12 lần so với năm 2018, ở mức 7 tỷ đồng nhưng vẫn có nguy cơ cao sẽ phải rời khỏi sàn HNX. Giá cổ phiếu ACM tuột dốc mạnh khi giảm đến 96% kể từ khi niêm yết (23/07/2015) và hiện tại chỉ còn 400 đồng/cp (09/12/2019).

Thê thảm hơn, không chỉ báo lỗ 2 năm 2017 và 2018, tháng 10 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) đã bị miễn nhiệm và bị bắt tạm giam do lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Chính đã ký hàng chục hợp đồng với ưu đãi về phí dịch vụ khiến cho PTL bị thua lỗ nhiều tỷ đồng. Điều này khiến PTL như rắn mất đầu và kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống. 9 tháng đầu năm 2019, PTL ghi nhận mức lỗ hơn 5 tỷ đồng.

Có những trường hợp doanh nghiệp còn ngừng luôn hoạt động kinh doanh hoặc bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Điển hình là Bao bì Dầu Thực Vật (HOSE: VPK) bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 29/10/2019 do ngừng hoạt động kinh doanh trong 9 tháng và nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. VPK ngừng kinh doanh trong khi chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt gần 5 tỷ đồng nên quý 3/2019 ghi nhận lợi nhuận ở con số âm, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 86 tỷ đồng.

Còn 3 trường hợp đang ở diện bị kiểm soát đặc biệt nữa cũng đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết trong năm sau nếu kết thúc năm 2019 với con số lỗ gồm Công trình 6 (HNX: CT6), Chế tạo Máy Dzĩ An (HNX: DZM)Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (HNX: VCR).

Tiên Tiên

FILI