Hết OGC đến SCIC muốn thoái toàn bộ vốn tại FAFIM Việt Nam

Hết OGC đến SCIC muốn thoái toàn bộ vốn tại FAFIM Việt Nam

Tháng 9 năm nay, HĐQT OGC đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn tại FAFIM, và đến nay, cổ đông lớn tiếp theo là SCIC cũng công bố đấu giá toàn bộ cổ phần sở hữu.

FAFIM CINEMA. Nguồn: Internet

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa ra thông báo sẽ bán đấu giá cả lô 2.9 triệu cp (30% vốn điều lệ) của CTCP FAFIM Việt Nam (FAFIM) với giá khởi điểm 21,500 đồng/cp. Như vậy, SCIC có thể thu về tối thiểu 62.4 tỷ đồng nếu thương vụ diễn ra thành công.

Phiên đấu giá chấp thuận sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến được tổ chức vào ngày 26/12/2019.

FAFIM tiền thân là Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam được thành lập ngày 15/03/1953. Trải qua nhiều giai đoạn thay đổi về tổ chức và bộ máy, CTCP FAFIM Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 03/07/2012. FAFIM có lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh rạp chiếu phim.

Đáng chú ý, FAFIM là đơn vị đã đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Liên doanh Lottecinema Việt Nam, nhưng thực tế quyền sở hữu 10% vốn điều lệ của Lottecinema Việt Nam thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ này cũng đang tiến hành thủ tục chuyển giao phần vốn góp nói đến về SCIC.

Tại thời điểm 10/10/2019, FAFIM có 23 cổ đông, toàn bộ là nhà đầu tư trong nước. SCIC là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 30% tại FAFIM, trong khi nhóm cổ đông thuộc CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) là bên nắm quyền kiểm soát. OGC hiện cũng đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại FAFIM, tuy nhiên các thông tin chi tiết hơn về thương vụ vẫn chưa được tiết lộ.

Nguồn: Bản công bố thông tin đấu giá cổ phần của SCIC tại FAFIM

Về kết quả kinh doanh, FAFIM đạt doanh thu thuần 12 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, tương ứng tăng 10% và 92% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này có tổng tài sản trên 105 tỷ đồng, trong đó 82% là tài sản cố định (chủ yếu là nhà cửa, vật kiến trúc, thiết bị và quyền sử dụng đất). Vốn chủ sở hữu là nguồn tài trợ chính, ghi nhận hơn 101 tỷ đồng; trong đó 98 tỷ đồng là vốn điều lệ.

Thực tế, thiết bị máy móc của FAFIM hiện nay đã cũ và lạc hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành. Thêm vào đó, nguồn vốn nhỏ hạn chế đi hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của Công ty. Các nhà đầu tư nước ngoài có vốn lớn liên tục mở rộng hệ thống rạp và có ảnh hưởng lớn đến hệ thống phân phối phim nên các rạp nhỏ lẻ, trong đó có FAFIM trở nên yếu thế.

Thừa Vân

FILI