Chào hàng Xiaomi bằng viên pin sạc để rồi chiếm 10% thị phần smartphone, Digiworld đã làm như thế nào?

Chào hàng Xiaomi bằng viên pin sạc để rồi chiếm 10% thị phần smartphone, Digiworld đã làm như thế nào?

Hơn 10% thị phần chỉ sau hơn 2 năm bước vào thị trường Việt Nam của Xiaomi là một thành tích đáng nể. Người đứng sau đạo diễn hành trình đó chính là một doanh nghiệp địa phương - hãng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) có tên Digiworld (HOSE: DGW).

“Năm 2017, Xiaomi đã chọn chúng tôi là nhà cung cấp toàn bộ các dịch vụ phát triển thị trường và phân phối ngay khi bước chân vào Việt Nam”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Digiworld - ông Đoàn Hồng Việt chia sẻ trong buổi talk show chủ đề “Thâm nhập thị trường - Bài toán khó cho doanh nghiệp ngoại” được tổ chức chiều 17/12/2019.

“Xiaomi với sự hỗ trợ của Digiworld không hề quảng cáo nhiều trên truyền thông mà chọn một hướng đi khác”, ông Việt nói. “Ban đầu chúng tôi đã chọn một sản phẩm có chi phí vừa phải mà ai cũng có thể chi trả được và phải sử dụng được với mọi dòng điện thoại. Đó chính là… bộ pin sạc dự phòng.”

Theo lời vị Chủ tịch Digiworld, đây là bước tạo điều kiện để nhiều người tiêu dùng có thể sử dụng, cảm nhận chất lượng sản phẩm và biết đến thương hiệu Xiaomi. Tiếp đó, các dòng điện thoại giá cả hợp lý và các đợt Flash-Sale đã được Digiworld và Xiaomi phối hợp tung ra thị trường. “Kể từ đó, những khách hàng đầu tiên đã trở thành đại sứ thương hiệu cho chúng tôi”.

“Từ mức 5% thị phần lên 10% không đơn giản chỉ là gấp đôi, đấy là một khoảng cách rất lớn. Để đạt con số 10% thị phần chúng tôi đã rất nhanh nhạy và chiến đấu để chiếm lấy khoảng không mà các hãng khác để lại”, ông Việt chia sẻ.

Thị phần Xiaomi bứt phá trong năm 2019
Nguồn: Digiworld

Thành công với Xiaomi không phải là lần đầu tiên đối với Digiworld. Trước đó, nhà cung cấp dịch vụ MES này đã là cầu nối giữa thị trường Việt Nam và nhiều nhãn hàng lớn như HP, DELL,… “Mỗi bên được làm công việc mà mình giỏi nhất, sự chuyên môn hóa giúp chất lượng dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn”, vị Chủ tịch nói.

Không dừng lại ở ngành hàng thiết bị công nghệ (ICT), Digiworld hiện đang đi những bước vững chắc hơn trong ngành hàng tiêu dùng (FMCG) thông qua những cái bắt tay lần lượt với Lion và Nestlé.

Digiworld hiện đang làm nhiệm vụ phát triển thị trường cho các sản phẩm dinh dưỡng y học, bán trong các nhà thuốc và bệnh viện, của Nestlé. “Chúng tôi thông hiểu địa phương và có nền tảng quản lý như những hãng nước ngoài. Hơn nữa, Digiworld có đủ tiềm lực tài chính để đi lâu dài cùng Nestlé khi thị trường và thị phần ngày càng mở rộng, như kế hoạch là tăng 30 - 40%/năm. Đây là điều các đơn vị nhỏ khó đáp ứng được.” - ông Việt nhận định.

Với Lion, thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng của Nhật Bản, vị Chủ tịch Digiworld cho biết người Nhật có tính cách rất chắc chắn và chậm rãi, do đó “họ muốn marketing qua từng hành động nhỏ."

Digiworld không hướng đến việc quảng cáo ồ ạt về sản phẩm của Lion để tăng nhanh doanh số mà tập trung xây dựng độ bền thương hiệu với người tiêu dùng. Hãng này đang kết hợp với Lion trong hoạt động giáo dục học sinh tiểu học cách đánh răng và chăm sóc răng miệng đúng cách, để cuối cùng là giới thiệu các thương hiệu bàn chải đánh răng Kodomo của Lion.

Đấy mới chỉ là phần việc với những nhãn hàng hiện tại, Digiworld còn táo bạo hơn thế với kế hoạch đưa doanh thu ngành hàng FMCG gấp đôi sau mỗi năm để đạt mốc ngàn tỷ đồng vào năm 2021. “Tỷ lệ tăng trưởng thoạt nhìn rất lớn nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được nhờ các hợp đồng mới sắp được ký kết, đặc biệt là hợp đồng với một nhà sản xuất tên tuổi”, đại diện Công ty hé lộ.

Các hợp đồng mới trong mảng FMCG dự kiến sẽ được Digiworld công bố trong năm 2020. Ngoài ra, Công ty cũng cho biết đã ký kết thêm hợp đồng mới trong ngành hàng ICT và cũng sẽ ra mắt vào đầu năm sau.

Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Digiworld đã thực hiện được trên 80% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm. “Thực tế là chúng tôi đã vượt kế hoạch kinh doanh năm 2019 ngay trong tháng 10 vừa rồi. Năm 2020, chúng tôi dự kiến giữ tốc độ tăng trưởng từ 25% trở lên.” - Giám đốc Đầu tư Digiworld - ông Nguyễn Hải Khôi cho biết.

Trong quá trình tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp là thứ cần chú ý. Đại diện Digiworld cho biết doanh nghiệp có dòng tiền từng quý khá biến động lúc dương lúc âm. “Tuy nhiên đó là đặc thù đối với những đơn vị làm phân phối vì dòng tiền âm và dương là phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh tương ứng với giai đoạn nhập hàng và bán hàng.”

Digiworld cũng cho thấy họ quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ vượt ngoài khuôn khổ các hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như cuộc thi chạy marathon đầu tháng 12 vừa qua, được Công ty tổ chức với sự tham gia của nhân viên, khách hàng và các nhà cung cấp. “Cứ mỗi người tham gia thì chúng tôi lại trồng một cây xanh tại rừng Cần Giờ”, Chủ tịch Digiworld hào hứng.

“DGW sẽ là công ty tỷ đô, đây là quy mô mà chúng tôi hướng tới. Sau đó sẽ còn nhiều đỉnh núi nữa dành cho Digiworld vì kinh doanh là cuộc leo núi mà sẽ chẳng bao giờ dừng lại.”- ông Việt nói.

Các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững đang được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Đây cũng là một trong những tiêu chí đang dần được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao khi lựa chọn đồng hành cùng các công ty. Trong ảnh: Rừng Cần Giờ

Thừa Vân

FILI