2019 thành công và những áp lực lên lãi suất 2020

2019 thành công và những áp lực lên lãi suất 2020

Ổn định mặt bằng lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế luôn là mục tiêu ưu tiên xuyên suốt trong nhiều năm qua. Và có thể nói năm 2019 đã chứng kiến sự thành công ngoài mong đợi, sau hàng loạt chính sách mạnh tay của nhà điều hành, từ những giải pháp thị trường cho đến những can thiệp hành chính. Liệu năm 2020, xu hướng lãi suất sẽ diễn ra như thế nào?

Năm 2019 thành công

Giảm 0.25% một loạt lãi suất điều hành, liên tiếp hạ lãi suất phát hành tín phiếu, giảm 0.5% trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, 2 lần hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO), giảm 0.4% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc,…Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã kéo được mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay xuống mạnh so với một năm trước đây. Trong đó, đáng kể nhất là quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 ngày từ ngày 19/11/2019, giúp chi phí vốn đầu vào của nhiều nhà băng giảm mạnh, mở đường cho  lãi suất cho vay giảm theo.

Những giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống cũng góp phần giúp các nhà băng không chịu quá nhiều áp lực phải huy động vốn mà có thể dẫn đến các cuộc đua lãi suất không mong muốn. Từ sự linh hoạt bơm hút trên thị trường mở qua các phiên phát hành tín phiếu hay cho vay trên OMO, cho đến động thái mua ròng ngoại tệ vừa giúp gia tăng dự trữ ngoại hối vừa bơm thêm tiền đồng cho hệ thống. Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua hơn 17 tỷ USD, tương đương bơm ra thị trường gần 400 nghìn tỷ đồng.

Chẳng những vậy, mỗi khi các ngân hàng có dấu hiệu chớm chạy đua lãi suất, như việc thi nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao và nâng mạnh lãi suất tiền gửi trung dài hạn, NHNN nhanh chóng có những chỉ đạo, văn bản nhắc nhở, cảnh báo có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng như là một chế tài cần thiết, như điều đã từng diễn ra vào cuối tháng 8 năm nay. Ngoài ra, những cảnh báo về việc đầu tư nóng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp các nhà băng chùn tay trong việc bung vốn quá mức, từ đó cũng giảm bớt áp lực lên hoạt động huy động vốn.

Áp lực lãi suất 2020

Đầu tiên phải kể đến thông tư 58/2019/TT-BTC, đã có hiệu lực kể từ đầu tháng 11/2019, theo đó quy định tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải tập trung về nằm tại đầu mối ở NHNN, thay vì ở các ngân hàng thương mại (NHTM) như thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn thanh khoản giá rẻ sẽ bị rút ra đi, mà phần lớn nguồn vốn này từ trước đến nay thường được nhóm NHTM Nhà nước sử dụng để cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Hệ quả là khi nguồn cung vốn bị thu hẹp lại, lãi suất trên thị trường 2 có thể dẫn cao lên, điều chúng ta đã chứng kiến trong 2 tháng qua.

Nếu lãi suất thị trường 2 gia tăng và tiếp tục nằm ở mức cao, lãi suất thị trường 1 cũng khó có lòng giảm thêm hoặc duy trì ở mức thấp, khi các ngân hàng có thể nhận ra rằng việc tăng lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 dù cao hơn một tí, nhưng bù lại có được nguồn vốn kinh doanh ổn định mà chênh lệch không quá lớn so với lãi suất phải đi vay mượn các ngân hàng khác, vốn chỉ ở kỳ hạn rất ngắn để bù đắp thanh khoản, đảm bảo các tỷ lệ an toàn thanh khoản và khả năng chi trả không rớt về dưới mức thấp hơn quy định.

Yếu tố thứ hai là thông tư 22/2019/TT-NHNN, với quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tiếp tục giảm về 37% từ ngày 01/10/2020, về 34% từ ngày 01/10/2021 và 30% từ ngà 01/10/2022. Như vậy, khi ngày càng gần đến thời hạn ngày 01/10/2020, những nhà băng chưa đáp ứng được hoặc đang cận kề ngưỡng quy định này, có thể chịu áp lực không nhỏ trong việc tăng cường nguồn vốn trung dài hạn, theo đó có thể buộc phải tăng lãi suất để thu hút vốn.

Thông tư 22 cũng quy định các khoản cho vay tiêu dùng từ 4 tỷ đồng trở lên sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 01/01/2020 và tiếp tục tăng lên 150% từ ngày 01/01/2021; hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản cũng tăng từ 150% lên 200%. Những thay đổi mới này được cho là có thể đẩy lãi suất cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có giá trị lớn và lĩnh vực bất động sản lên cao hơn, do hệ số rủi ro lớn hơn khiến nhà băng phải tiêu tốn vốn tự có nhiều hơn để đảm bảo cho phần dư nợ này khi tính hệ số an toàn vốn (CAR).

Trong khi đó, biện pháp hành chính giảm trần lãi suất tiền gửi vừa qua tuy được đánh giá là tích cực, nhưng nếu gây ra tác dụng ngược theo đó khách hàng khi so sánh với các kênh đầu tư khác và nhận thấy gửi tiền ngân hàng không còn mang lại suất sinh lời hấp dẫn, thì có thể rút ra để tìm kiếm các cơ hội khác. Nếu xu hướng này diễn ra, các nhà băng buộc phải tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn không bị quy định bởi trần lãi suất để giữ chân khách hàng. Thực tế diễn biến này cũng đã xảy ra tại một số ngân hàng sau quyết định giảm lãi suất của NHNN.

Dù liên tiếp bị cảnh báo, nhưng kênh trái phiếu doanh nghiệp được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng trong năm 2020 và cạnh tranh vốn với các kênh đầu tư khác nói chung và tiền gửi ngân hàng nói riêng, do các doanh nghiệp đều đưa ra mức lãi suất phát hành khá hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia, cũng như nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, yếu tố gây lo ngại lớn nhất đến mặt bằng lãi suất vẫn là hai biến số vĩ mô quan trọng lạm phát và tỷ giá. Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ tăng vọt từ đầu quý 4 đến nay, trước thực trạng giá thịt leo liên tiếp leo thang kéo theo giá các mặt hàng khác, khiến không ít người phải lo lắng về nguy cơ lạm phát cao trở lại trong thời gian tới. Trong khi đó, tỷ giá 2020 được dự báo khó lường cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng lên lạm phát và lãi suất nói chung.

Tuy nhiên, yếu tố gây lo ngại lớn nhất đến mặt bằng lãi suất vẫn là hai biến số vĩ mô quan trọng lạm phát và tỷ giá. Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ tăng vọt từ đầu quý 4 đến nay, trước thực trạng giá thịt leo liên tiếp leo thang kéo theo giá các mặt hàng khác, khiến không ít người phải lo lắng về nguy cơ lạm phát cao trở lại trong thời gian tới.

Phan Thụy

FILI