TTF: Ngàn tỷ xoay quanh chữ tín

"Tôi càng đi sâu vào tổ chức này thì lại càng tìm thấy nhiều thứ xấu. Chúng tôi phải tìm ra tất thảy những thứ đó."

Đó là lời bộc trực của ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch hiện nay của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), trong buổi họp cổ đông bất thường cuối tháng 10/2018.

Hơn 3 tháng sau, TTF công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2018 với khoản lỗ ròng 715 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế lên con số xấp xỉ 2,122 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty bị cuốn phăng, chỉ còn ghi nhận vỏn vẹn chưa đến 20 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018. Thế nhưng, những con số kể trên có phải bức tranh đầy đủ về TTF lúc bấy giờ - bức họa tối màu về một doanh nghiệp đang chìm trong bể lỗ vì hoạt động kinh doanh sa sút?

Vua gỗ sa cơ

Năm 1992, khởi nguồn từ một cơ sở chế biến gỗ ở vùng cao nguyên tỉnh Đắk Lắk với khoảng 30 công nhân cùng cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị thô sơ, TTF phát triển không ngừng và dần trở thành thế lực trong ngành gỗ Việt Nam.

Thành công và gặp sai lầm, đến năm 2013, tình hình Công ty vô cùng khó khăn, nhiều lần suýt phải ngưng hoạt động liên tục.

TTF bước vào giai đoạn tái cơ cấu và đến 2015 thì Công ty tuyên bố công cuộc tái thiết đã thành công trọn vẹn. Thời điểm đó, TTF sở hữu 8 nhà máy, 14,000 ha rừng, tạo công ăn việc làm cho gần 3,600 lao động và có sản phẩm xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia.

Như lẽ đương nhiên, TTF lúc này hướng đến tầm nhìn phát triển bền vững, tầm nhìn trở thành một ông lớn của ngành gỗ thế giới. Trong định hướng 2016 - 2020, TTF muốn trở thành tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực đồ gỗ và bất động sản. Cổ đông lúc ấy cũng chẳng thể kỳ vọng nhiều hơn.

Vâng! Chúng tôi tin

Nguồn: VietstockFinance

Cổ phiếu chính là minh chứng tốt nhất cho niềm tin lúc đó của giới đầu tư lên tương lai của ông "vua gỗ" này. Chưa đầy 3 năm kể từ cuối 2013, thị giá TTF tăng gấp 10 lần và đạt đỉnh 43,600 đồng/cp vào ngày 18/07/2016. TTF lúc ấy dường như quá tốt để có thể là sự thật.

BCTN phát hành năm 2016 của Công ty có tiêu đề: "Vận hội mới, xuất phát mới". Quả đúng như thế, nhưng tiếc thay lại theo một chiều hướng cực kỳ không mong muốn cho cổ đông.

Bắt đầu 2016 với quý khởi động có lãi ròng tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ, nhưng rồi bão giông ập đến theo cách người ta không mong muốn nhất. TTF bất ngờ báo lỗ hơn 1,120 tỷ đồng trong quý 2/2016, khi hơn ngàn tỷ đồng hàng tồn kho "không cánh mà bay".

Nợ phải trả ngắn hạn của TTF vượt tài sản ngắn hạn, hàng loạt khoản mục tại BCTC phải điều chỉnh và hồi tố, một phần doanh thu đáng kể bị nghi ngờ tính xác thực, đơn vị kiểm toán đưa ra lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Mọi thứ gần như bung bét…

... và niềm tin bỗng vụt tan như bọt bóng!

Nguồn: VietstockFinance

Thị trường chứng khoán hoang mang, kỳ vọng nhanh chóng được thay thế bởi nỗi sợ và sự phẫn nộ. TTF chịu cảnh bán tháo, giá cổ phiếu giảm hơn 90% trong 4 tháng ngắn ngủi, quét sạch 5,700 tỷ đồng vốn hóa.

Từ một cổ phiếu vàng, TTF giờ đây phải đối diện nguy cơ hủy niêm yết trước khả năng tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp sẽ vượt quá số vốn điều lệ.

Cổ đông lớn nhất (sở hữu 49.9%) của TTF lúc bấy giờ - Tân Liên Phát (một công ty con của Vingroup) phải tháo chạy dù trước đó đã có ý định nâng sở hữu tại TTF lên đến 69%.

Trước đây khi nói về quan hệ TTF - Tân Liên Phát, ông Võ Trường Thành (Chủ tịch TTF cho đến ngày phát hiện sai lệch hàng tồn kho) ví von: "Giống như cô gái được gả chồng tốt vậy". Nhưng tốt đến mấy, Tân Liên Phát cũng không thể chấp nhận một "cô gái không trung thực". Mọi thứ ở TTF gần như đổ sụp!

Thuyền trưởng mới

Bất ngờ ngày 31/03/2017, một tổ chức gom 29 triệu cp TTF (khoảng 20% tỷ lệ sở hữu). Ngay sau đó, TTF bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín vào vị trí Tổng Giám đốc, bộ máy nhân sự cấp cao của TTF xáo trộn thêm lần nữa. Tân Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín chính là đồng sáng lập của CTCP Đầu tư U&I, công ty mẹ của CTCP Xây dựng U&I (Unicons) - tổ chức đã mua vào 29 triệu cp TTF. Động thái ấy làm xuất hiện nhiều lời bàn ra tán vào từ giới đầu tư.

Mai Hữu Tín - một võ sĩ, một doanh nhân nổi bật của tỉnh Bình Dương và cũng từng là một ông nghị sắc sảo. Từ con số 0, ông dựng nên cơ đồ là một tập đoàn đa ngành từ xây dựng, bất động sản cho đến vận tải, nông nghiệp. Nhưng điều làm cổ đông TTF quan tâm nhất, có lẽ là thương vụ cứu doanh nghiệp Giấy Sài Gòn của ông.

"Tôi muốn cứu 1 doanh nghiệp lớn trong ngành không bị phá sản.Tôi không muốn TTF lọt vào tay nhà đầu tư ngoại và tất cả công nhân ở đây mất việc", ông Tín phát biểu trong lần đầu góp mặt tại Đại hội thường niên TTF.

Nhưng đương nhiên, một lý lịch hoành tráng và những lời phát biểu hùng hồn không là bảo chứng cho bất cứ điều gì. Các cổ đông TTF là những người hiểu nhất điều đó. Lòng tin lúc bấy giờ là thứ quá xa xỉ.

Nhưng rồi những dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện. TTF ký hợp đồng cung ứng gỗ trị giá 16,000 tỷ đồng (trong 5 năm) với một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, một khoản vay ngàn tỷ đồng được chuyển thành tiền đặt cọc mua hàng; vậy là TTF được đảm bảo đầu ra đồng thời tạo điều kiện trả nợ trong giai đoạn khó khăn. Công ty cũng tăng được nguồn vốn lớn 700 tỷ đồng (bằng 70% phương án ban đầu), một thành quả đáng kể xét đến tình cảnh doanh nghiệp. Cùng với đó là sự xuất hiện của những cổ đông lớn như SAM Holdings (thoái phần lớn vốn sau đó) và quỹ ngoại PYN Elite. Niềm tin được nhen nhóm phần nào.

Khoản lỗ của một TTF giữ lời

Ban lãnh đạo mới của TTF cho thấy họ không hề nói suông. Câu nói "điều quan trọng của nhóm cổ đông mới tham gia điều hành là nỗ lực làm thực" của ông Tín dần được minh chứng qua thời gian.

Đại hội thường niên 2017, ông Tín đưa ra những mục tiêu "tham vọng" giúp TTF thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết và tái thiết Công ty.

"Thực tình mà nói, lợi nhuận trong năm 2017 hay nguồn vốn mới ư… khi ấy tôi cũng chẳng mong đợi gì nhiều." - một cổ đông TTF nhớ lại. Nhưng như thực tế đã cho thấy, những gì đề ra đều được thực hiện.

Sống lại trong năm 2017, "giờ khi một người bị bệnh thì việc cần làm là chữa hết bệnh trước", Ban lãnh đạo Công ty hướng đến việc thu hồi các khoản đầu tư trái ngành, giảm nợ, thanh lý hàng tồn kho, và một việc "không thể không làm" là phải chịu lỗ.

Cuối năm 2016, TTF có khoản đầu tư vào 15 đơn vị (công ty con, liên doanh, liên kết) và là con nợ của 4 ngân hàng, thì đến thời điểm 31/12/2018 các con số này lần lượt là 9 và 1.

Năm 2018 TTF lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng...

... và loại đi những thứ đeo bám Công ty từ lâu

khi trích lập dự phòng gần 293 tỷ đồng phải thu khó đòi

Câu chuyện này vẫn còn chương cuối, TTF dự kiến sẽ ghi nhận lỗ ròng gần 600 tỷ đồng trong năm 2019 để giải quyết tất cả các tồn đọng, và "sạch" từ 2020. Thực tế, nếu không thực hiện trích lập kế toán thì hoạt động kinh doanh của TTF đang có lãi.

Những đồng lợi nhuận trước đây của TTF có thật hay không chẳng ai dám chắc, nhưng khoản lỗ lớn trong năm 2018 (và cả 2019) lại không hề vì hoạt động sa sút. Ông Tín chẳng thể cùng TTF trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng nếu tìm được tất cả thứ xấu của quá khứ và xử lý hết ở hiện tại, khi đó những khoản lỗ sẽ trở thành dĩ vãng và không còn đeo bám TTF nữa.

"Vấn đề khó nhất trong quá trình tái cơ cấu TTF là tìm ra cho hết mọi khuất tất đã được che giấu rất nhiều năm trong việc hạch toán. Chúng tôi mất gần hai năm cật lực mới có được số liệu chính xác ở mức tương đối, và bố trí được nhân sự phù hợp để xử lý những vấn đề đó cũng như để phát triển trở lại."

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Mai Hữu Tín với người viết trong cuộc phỏng vấn trước thềm Đại hội thường niên 2019.

TTF đang giải quyết các tồn đọng và dựng xây những nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Công ty đang dần thay da đổi thịt.

Ông Mai Hữu Tín: "Thay đổi lớn nhất tại TTF là tính minh bạch trong mọi hoạt động và số liệu. Tôi xin chỉ nói về TTF của ngày hôm nay: Sạch, nhanh, quyết liệt."

Từ những thành quả và cam kết đã đang thực hiện, một thứ đặc biệt mà người viết được tận mắt thấy rõ chính là niềm tin của không ít cổ đông TTF đã quay trở lại. Một niềm tin vun đắp bởi chính những khoản lỗ.

Lòng tin trở lại…

Tham dự cuộc họp bất thường tháng 10/2018, người viết lúc đó không biết gì nhiều hơn về TTF - một doanh nghiệp đang chìm trong bể lỗ, tin rằng sẽ được chứng kiến một cuộc họp cực nóng với những tranh cãi, nhưng hóa ra lại không.

Giờ nghỉ giải lao, mọi người vây quanh vị Chủ tịch, có vị cổ đông nói: "Em đang dùng tiền tiết kiệm, tiền lì xì của con gái nhỏ để đầu tư vào TTF. Mong rằng sau này có thể dùng nó làm của hồi môn, hoặc là hành trang để cháu bước vào đời." Thật sự bất ngờ!

Ông Mai Hữu Tín: "Ai đầu tư cũng mong có kết quả. Tôi rất trân trọng các cổ đông đã đầu tư vào TTF; nhất là các cổ đông đã trót tham gia vào thời điểm công ty chưa có sự minh bạch cần có trước đây, cũng như các cổ đông đã đầu tư theo tôi."

… với một khoản đầu tư đầy cảm hứng

Cách đây một năm, Ban lãnh đạo TTF bất ngờ đề ra chiến lược mới với định hướng trở thành nhà cung cấp nội thất tổng thể cho các dự án bất động sản tại thị trường nội địa. Mời gọi các doanh nghiệp nhỏ sáp nhập để tạo nên một hệ sinh thái nội thất sẽ là hướng đi của TTF.

Cuối năm 2018, mục tiêu đầu tiên được hé lộ - Sứ Thiên Thanh, và đến giữa năm 2019 thì việc sáp nhập hoàn tất. TTF có thêm một mảnh ghép, đồng thời tăng thêm được lượng vốn đáng kể.

Vậy khi muốn trở thành nhà cung cấp nội thất tổng thể, TTF đã chuẩn bị được những gì?

Ông Mai Hữu Tín: "Không chỉ muốn. Chúng tôi đang làm việc này, đang tăng rất nhanh các năng lực chưa từng có trước đây về thiết kế, về cung ứng rộng, về sản xuất các mặt hàng phức tạp hơn, cao cấp hơn."

Hiện, Sứ Thiên Thanh cùng TTF đang phát triển dòng sản phẩm kết hợp gỗ và thiết bị sứ vệ sinh, "có một thị trường xuất khẩu trị giá 4 tỷ USD chỉ cho những sản phẩm này", ông Tín hào hứng.

Định hướng tiềm năng, nhưng TTF cũng sẽ đối diện với không ít thách thức. Một trong số đó, và được giới đầu tư e ngại nhất là việc liệu TTF có đủ nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng. Được hỏi vị Chủ tịch về vấn đề này, người viết nhận được câu trả lời bất ngờ.

Ông Mai Hữu Tín: "Chúng tôi đã có đủ vốn cho nhu cầu trước mắt và chưa có kế hoạch huy động thêm. Chúng tôi đã có đủ cơ sở để tin rằng đang nắm chắc được mọi việc, đã đủ nguồn lực để xử lý mọi vấn đề của quá khứ, và có thể tự tin đẩy TTF đi nhanh.

Thách thức lớn nhất, như hầu hết các trường hợp khó khăn, là có đủ nhân tài."

Từng nói "càng đi sâu vào càng phát hiện nhiều thứ xấu", liệu có lúc nào ông Tín nghĩ rằng khoản đầu tư TTF có thể là một sai lầm cần phải chấm dứt?

Ông Mai Hữu Tín: "Nếu bạn cứ ngồi nghĩ sai hay không sai thì rất dễ mất tập trung. Tôi chưa từng nghĩ tới việc chấm dứt khoản đầu tư này. Khi đã xác định được các vấn đề cần xử lý, chúng tôi tập trung xử lý cho bằng được để đưa doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả.

TTF có nhiều kế hoạch lớn nữa chứ không chỉ có thế. Nhưng tôi sẽ chia sẻ vào thời điểm phù hợp."

Trên thị trường chứng khoán, sau sáp nhập Sứ Thiên Thanh, vốn hóa TTF đã trở lại mốc 1,000 tỷ đồng sau một thời gian dài.

"Vậy khi nào cổ phiếu sẽ về mốc 10,000 đồng/cp (tối thiểu khoảng 3,000 tỷ đồng vốn hóa thị trường) hả anh?" - một cổ đông hỏi ông Tín, bên lề cuộc họp thường niên 2019.

"Hãy cho tôi 3 năm nữa."

Nội dung: Thừa Vân

Thiết kế: Duy Vũ

FILI

Tin cùng chuyên mục