Hùng Vương lại báo lỗ nặng sau soát xét, khoản vay 600 tỷ quá hạn thanh toán tại VCB

Hùng Vương lại báo lỗ nặng sau soát xét, khoản vay 600 tỷ quá hạn thanh toán tại VCB

Một lần nữa, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) lại có sự chênh lệch lớn số liệu trước và sau soát xét.

* Có lãi bèo bọt nhưng khoản phải thu "khủng" của HVG vẫn là ẩn số!

* HVG "vỡ mộng" với POR14, cổ phiếu nện sàn phiên thứ 4 liên tiếp

* ĐHĐCĐ 2019: Nếu POR 14 thành công, đến cuối 2020 HVG quay về doanh số 20,000 tỷ đồng/năm, mua lại cổ phần đã bán cho VIC

Tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2019 (niên độ 01/10/2018-30/09/2019) vừa được công bố, HVG báo lỗ gần 112 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận lãi gần 25 tỷ đồng.

Sau soát xét, doanh thu thuần HVG đạt 2,876 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với báo cáo tự lập; trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng hơn 400 tỷ đồng, ở mức 2,556 tỷ đồng.

Ngoài ra, có nhiều thay đổi ở chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét. Chẳng hạn, chi phí quản lý doanh nghiệp của HVG tăng gấp 4 lần, ở mức 159 tỷ đồng. Những thay đổi đáng kể trên làm HVG lỗ gần 112 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/03/2019 lên gần 528 tỷ đồng.

Hơn 600 tỷ đồng khoản vay VCB đã quá hạn thanh toán

Cùng con số lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng, kiểm toán lưu ý việc HVG có khoản vay quá hạn thanh toán tại các ngân hàng thương mại, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Theo đó, khả năng hoạt động của HVG phụ thuộc vào khả năng sắp xếp dòng tiền kinh doanh và được tái cơ cấu các khoản vay từ ngân hàng.

Tại ngày 31/03/2019, HVG có nợ vay ngân hàng gần 3,087 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 2,964 tỷ đồng. Chi tiết khoản vay ngắn hạn đáng chú ý có hơn 1,930 tỷ đồng vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID), kỳ hạn trả gốc lãi từ ngày 05/04/2019 đến 28/12/2020.

Đáng chú ý, khoản nợ vay gần 602 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đã quá hạn thanh toán.

Áp lực trả nợ vay của HVG sắp tới cũng rất lớn bởi trong tháng cuối tháng 6, tháng 7 và tháng 9 tới đây, Tập đoàn có gần 380 tỷ đồng nợ vay đến hạn phải trả. Như vậy, tính cả hơn 600 tỷ đồng vay nợ quá hạn từ VCB thì HVG cần hơn 1,000 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng trong năm nay.

Trường hợp của VCB được HVG cho biết đang làm việc với ngân hàng để xin chấp thuận giãn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi vay cho 8 năm tiếp theo.

Cổ phiếu lại lao về đáy

Trước khi HVG công bố BCTC soát xét bán niên 2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có 2 lần nhắc nhở đơn vị này chậm nộp báo cáo.

Trước những thông tin đó, cổ phiếu HVG lần nữa lao dốc về vùng đáy lịch sử. Kết thúc phiên giao dịch 11/06, HVG có giá 3,490 đồng/cp (gần mức thấp kỷ lục là 2,280 đồng/cp ngày 05/07/2018), ghi nhận giảm hơn 45% chỉ trong 3 tháng qua.

Nếu tính từ đỉnh 8,100 đồng/cp đạt được ngày 12/04/2019, HVG đã giảm hơn 56%. Cổ phiếu HVG dù vậy vẫn có thanh khoản tốt, đạt bình quân gần 900,000 cp/phiên trong 3 tháng qua.

Biến động giá cổ phiếu HVG trong 5 năm qua

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Phương Châu

FILI