Căng thẳng trào dâng, Google chuyển dần hoạt động sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc

Căng thẳng trào dâng, Google chuyển dần hoạt động sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc

Google của Alphabet đang dịch chuyển một số hoạt động sản xuất máy điều nhiệt Nest và phần cứng máy chủ ra khỏi Trung Quốc, với mục đích tránh hàng rào thuế quan của Mỹ và sự nhòm ngó của Chính phủ Trung Quốc, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.

Bloomberg dẫn lại nguồn tin cho biết, Google đã chuyển phần lớn hoạt động xuất khẩu bo mạch chủ của Mỹ sang Đài Loan, nhằm tránh hàng rào thuế quan 25%. Mặc dù các quan chức Mỹ cho rằng các bo mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc mang rủi ro tới an ninh quốc gia, nhưng Google không đề cập tới chuyện này trong các cuộc trao đổi với các nhà cung ứng, nguồn tin thân cận cho biết. Hàng rào thuế quan cũng khiến Google chuyển hoạt động sản xuất các thiết bị Nest tới Đài Loan và Malaysia.

Việc chuyển nơi sản xuất đang diễn ra khi các công ty cả nước ngoài lẫn trong nước đều muốn rời xa Trung Quốc giữa lúc Tổng thống Mỹ Donlad Trump nỗ lực thiết lập lại vành đai thương mại và sản xuất toàn cầu. Bắc Kinh đang cho thấy dấu hiệu kiểm soát chặt chẽ các tập đoàn Mỹ, từ Ford Motor cho tới FedEx tại Trung Quốc – thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và cũng là cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới.

Điều này thôi thúc các công ty Mỹ - vốn từ lâu đã quen xem Trung Quốc là công xưởng của thế giới – nay phải tìm kiếm những phương án thay thế. Các nhà sản xuất theo hợp đồng của Đài Loan – vốn sản xuất phần lớn thiết bị điện tử trên thế giới, bao gồm đối tác của Apple là Foxconn Technology – đã đẩy nhanh sự chuyển đổi theo nhu cầu của khách hàng kể từ năm 2018. Hôm thứ Ba (11/06), Foxconn cho biết họ có đủ công suất để sản xuất toàn bộ iPhone cho Mỹ ở bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết, mặc dù Apple không đòi hỏi điều đó.

* Trong kịch bản xấu nhất, Apple vẫn có khả năng sản xuất toàn bộ iPhone ở bên ngoài Trung Quốc

Mặc dù hoạt động sản xuất phần cứng của Google tại Trung Quốc có vẻ khá mờ nhạt so với Apple, nhưng sự thay đổi của nó có thể báo trước một xu hướng rộng lớn hơn khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang. Gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm của Mỹ thu về một phần doanh thu quảng cáo từ Trung Quốc và đã khám phá các phương án để thu hút người tiêu dùng và các tập đoàn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ chia sẻ các công cụ trí tuệ nhân tạo cho đến cả dịch vụ tìm kiếm thông qua kiểm duyệt. Google cũng vận động hành lang để Washington cho phép tiếp tục cung cấp Android cho Huawei Technologies, Financial Times đưa tin.

Google cũng đang mở rộng sự hiện diện ở nơi khác: Google tuyên bố vào tháng 3/2019 rằng đã xây dựng một khuôn viên mới ở Đài Bắc và mở rộng đội ngũ nhân viên ở nơi này, mặc dù nó không rõ liệu điều đó có liên quan đến đa dạng hóa sản xuất hay không. Google từ chối bình luận về các điều chỉnh sản xuất.

Trong số các phần cứng của Google bị áp mức thuế quan cao hơn, bo mạch chủ của máy chủ là một trong những phần quan trọng nhất đối với các hoạt động của gã khổng lồ công nghệ này. Google đang xây dựng các trung tâm dữ liệu của riêng mình ở Mỹ và những nơi khác. Các trung tâm điện toán này giúp Google cung cấp các công cụ tìm kiếm và công cụ gia tăng năng suất trên nền tảng dịch vụ đám mây và tạo cơ sở cho nền tảng di động lớn nhất thế giới cũng như các dịch vụ từ bản đồ đến tìm kiếm.

So với các ông lớn công nghệ Mỹ đang vận hành trung tâm dữ liệu khổng lồ như Facebook, Microsoft Corp. và Amazon.com Inc., Google có vẻ muốn chuyển hoạt động sản xuất bo mạch chủ của máy chủ ra khỏi Trung Quốc hơn. Điều này là do họ đôi lúc chỉ mua các thành phần của máy chủ, trong khi các đối thủ cạnh tranh thường mua tủ rack hoàn chỉnh của máy chủ từ các nhà cung ứng, dựa trên nguồn thông tin thân cận.

Bo mạch chủ được phân loại là hàng lắp ráp bảng mạch in và phải đối mặt với mức thuế 25% nếu chúng được nhập trực tiếp vào Mỹ, trong khi tủ rack hoàn chỉnh của máy chủ vẫn chưa bị áp thuế. Nhiều máy chủ của Mỹ được lắp ráp tại Mexico, nhưng cũng có những công ty lắp ráp những máy chủ tại Mỹ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi