Nikkei: Từ văn bản thỏa thuận thương mại 150 trang, Trung Quốc xóa bớt chỉ còn 105 trang

Nikkei: Từ văn bản thỏa thuận thương mại 150 trang, Trung Quốc xóa bớt chỉ còn 105 trang

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lâm vào thế khó sau khi Chính phủ Trung Quốc gửi sang Washington một phiên bản phác thảo thỏa thuận bị cắt bỏ khá nhiều - một động thái đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận lôi đình, dựa trên thông tin thân cận từ Nikkei Asian Review.

Nikkei Asian Review dẫn lại nguồn tin cho biết tài liệu gốc dài 150 trang – là nỗ lực sau 5 tháng đàm phán thương mại – đã bị cắt bỏ bớt chỉ còn 105 trang.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Phiên bản thỏa thuận bị cắt xén bớt được tiết lộ vào đầu tháng 5/2019 và là yếu tố khiến Mỹ phải nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Dựa trên nguồn thông tin thân cận, chính quyền Trung Quốc xem những phần ràng buộc về pháp lý của văn bản thỏa thuận là tương đương với một “thỏa thuận bất bình đẳng”. Tất cả những phần được đánh giá là “bất bình đẳng” đã bị xóa bỏ hoặc điều chỉnh.

Nội dung của những cuộc đàm phán thương mại giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được gói gọn trong tài liệu phác thảo dài 150 trang, bao gồm 7 chương, có phạm vi bao phủ các vấn đề như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, mua hàng hóa và triển khai thỏa thuận.

Mỹ đặt trọng tâm vào các biện pháp pháp lý mà họ cho là Trung Quốc cần phải thực hiện để tiến hành cải cách cấu trúc kinh tế. Từ góc nhìn của Washington, Bắc Kinh đã bất ngờ xóa bỏ những phần nhạy cảm nhất và cũng là quan trọng nhất của thỏa thuận.

Theo đó, sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán – một yếu tố gây chấn động trên khắp thế giới – đã được xác định từ trước khi  Trung Quốc xóa bỏ và điều chỉnh 30% nội dung văn bản phác thảo gốc, dựa trên nguồn tin thân cận.

Ông Trump đã tweet sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 05/05/2019.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

FiLi