HSBC: Lĩnh vực dệt may và giày dép của Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định EVFTA

HSBC: Lĩnh vực dệt may và giày dép của Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định EVFTA

Theo đánh giá của HSBC, lĩnh vực dệt may và giày dép của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, mặc dù chúng đòi hỏi Việt Nam phải củng cố ngành dệt may trong nước để tận dụng hoàn toàn từ Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Ánh sáng phía cuối con đường

Sau nhiều năm đàm phán và trì hoãn, dường như hai bên đang tiến gần tới việc hoàn tất EVFTA. Cả hai bên lên kế hoạch thông qua hiệp định này vào nửa sau năm 2019, trong đó Quốc hội EU sẽ tổ chức bàn luận về EVFTA vào ngày 28/05/2019.

Mối quan hệ giữa hai bên dần dần cải thiện kể từ khi lập mối quan hệ ngoại giao chính thức trong năm 1996. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và thỏa thuận thương mại này nhằm tiếp tục xây dựng dựa trên những mối quan hệ đó.

Hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam

Mối quan hệ giữa hai bên dần dần cải thiện kể từ khi lập mối quan hệ ngoại giao chính thức trong năm 1996. Mối quan hệ thương mại song phương đã tăng trưởng hơn 20 lần trong hai thập kỷ qua, qua đó biến EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ (biểu đồ 2). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới EU cũng tăng trưởng theo năm tháng. Hàng hóa xuất khẩu trong năm 2005 – khi cả hai bên lần đầu triển khai một kế hoạch để phát triển mối quan hệ – chủ yếu bao gồm nông sản, dệt may và các sản phẩm giày dép.

Hiện, tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam tới EU cao nhất (47%) là máy móc điện tử - vốn bao gồm nhiều sản phẩm tinh vi hơn như điện thoại thông minh và linh kiện máy tính. Nếu thỏa thuận được thông qua, EVFTA có thể tiếp tục thúc đẩy giao thương song phương hàng hóa và dịch vụ.

EVFTA là một thỏa thuận thương mại toàn diện, có tiêu chuẩn cao và là một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Các thỏa thuận FTA giữa các quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển có thể ít toàn diện hơn và/hoặc có tiêu chuẩn thấp hơn khi xét tới sự khác biệt về sản phẩm và dịch vụ mà mỗi quốc gia có thể cung cấp. tuy nhiên, EVFTA được xem là thỏa thuận “có tham vọng nhất”.

Việt Nam được gì?

HSBC ước tính, EVFTA sẽ thêm trung bình 0.1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP thực của Việt Nam mỗi năm (chỉ xét riêng tác động thương mại). Ủy ban Châu Âu (EC) ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới EU có thể tăng trưởng 18% nhờ thỏa thuận này, trong khi xuất khẩu của EU tới Việt Nam được cho là sẽ tăng 29%.

Theo ước tính của HSBC dựa trên những con số thương mại năm 2017, thỏa thuận EVFTA sẽ gia tăng thêm khoản thặng dư thương mại của Việt Nam với EU. Hơn nữa, một khi được triển khai hoàn toàn, tiêu chuẩn tương đối cao của EVFTA có thể góp phần đẩy nhanh cuộc cải cách kinh tế và hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Lượng vốn FDI từ EU chảy vào Việt Nam vì thỏa thuận EVFTA có thể thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, khi xét tới chuyện FDI của EU chảy vào Việt Nam trung bình chỉ ở mức dưới 800 triệu USD trong giai đoạn 2010-2017.

Ngân hàng này kỳ vọng lĩnh vực dệt may và giày dép của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, mặc dù chúng đòi hỏi Việt Nam phải củng cố ngành dệt may trong nước để tận dụng hoàn toàn thỏa thuận EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam tới EU lên tới gần 9 tỷ USD trong năm 2018.

Mức thuế nhập khẩu trung bình có trọng số mà EU áp lên những sản phẩm này hiện lên tới 9%. Những hàng rào thuế quan này có thể được gỡ bỏ trong 3 năm hoặc trực tiếp khi EVFTA có hiệu lực đối với một số sản phẩm ít nhạy cảm (bảng 2). Trong khi đó, các hàng rào thuế quan mà EU áp lên các sản phẩm dệt may và giày dép sẽ được gỡ bỏ sau 5-7 năm.

Tuy nhiên, những quy định nguồn gốc xuất xứ nghiêm ngặt đối với hàng dệt may nhập khẩu vào EU có thể hủy hoại những lợi ích thương mại dành cho Việt Nam, khi xét tới phần lớn nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất hàng dệt may đều được nhập khẩu từ nơi khác. Chẳng hạn, EVFTA đòi hỏi vải dùng để sản xuất phải có xuất xứ ở Việt Nam, EU hoặc Hàn Quốc. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải phát triển hoàn toàn ngành sản xuất hàng dệt may của chính họ để tận dụng hoàn toàn những lợi ích của thỏa thuận.

EU thì sao?

Trong khi đó, lĩnh vực máy móc, đồ gia dụng và dược phẩm của EU sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Máy móc, đồ gia dụng là hàng hóa mà EU xuất khẩu nhiều nhất tới Việt Nam (xét về giá trị) và hiện đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu trung bình có trọng số là 3%. Việt Nam đã cam kết rút lại những hàng rào thuế quan đối với gần như hầu hết hàng máy móc, đồ gia dụng, dệt may nhập khẩu từ EU như là một phần của thỏa thuận. Gần 50% hàng dược phẩm từ EU cũng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế sau khi thỏa thuận được thông qua. Hơn thế nữa, EVFTA sẽ đóng vai trò là bước khởi đầu quan trọng để EU đàm phán một thỏa thuận thương mại rộng hơn với phần còn lại của Đông Nam Á – một thỏa thuận mà họ đã cố gắng gầy dựng trong gần 1 thập kỷ qua.

Thế nhưng, cũng còn đó một vài bước lùi. EVFTA đưa ra giai đoạn chuyển giao dài dẳng đối với một số sản phẩm nhạy cảm nhất định – giai đoạn chuyển giao này có thể lên tới 10 năm. Nói cách khác, thỏa thuận không thể mang lại lợi ích hoàn toàn ngay lập tức và có thể bị pha loãng dựa trên sự phát triển của các ngành công nghiệp ở Việt Nam hoặc EU trong tương lai. Tuy vậy, EVFTA có thể góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách cấu trúc ở Việt Nam, nhất là khi có liên quan tới các rào cản phi thuế quan, thương mại dịch vụ và các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Vũ Hạo

FILI