Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lãi, lỗ trong quý 1

Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lãi, lỗ trong quý 1

Bước qua quý đầu tiên trong năm 2019, bên cạnh nhiều doanh nghiệp báo lãi ròng từ hàng trăm tỷ đồng trở lên, cũng có không ít doanh nghiệp khởi đầu không được thuận lợi đành ngậm ngùi báo lỗ nặng.

Trích lập trăm tỷ dự phòng nhưng vẫn có lãi cao nhất

Theo thống kê của Vietstock, trong số những doanh nghiệp báo lãi trăm tỷ (không bao gồm các ngân hàng), hiện PPC, ANV, CTD là những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thị trường trong quý 1/2019. Trong đó, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất đạt gần 243 tỷ đồng.

Mặc dù trong quý 1/2019, doanh thu của PPC giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,709 tỷ đồng, nhưng biên lãi gộp của Công ty vẫn đạt mức 19.3%, cải thiện đáng kể so với con số 14.8% của cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, dù đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, tổn thất đầu tư gần 124 tỷ đồng, khiến chi phí tài chính PPC trong quý 1/2019 tăng hơn 89% so với cùng kỳ năm 2018, song PPC vẫn đạt mức lãi ròng gần 243 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Nói về CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), tuy đạt được lãi ròng gần 189 tỷ đồng, cao thứ ba trong số những doanh nghiệp có lãi khủng trong quý đầu tiên của năm 2019, nhưng mức lợi nhuận này đã giảm đến gần 35% so với con số mà CTD đã đạt được trong quý 1/2018.

Nguyên nhân chủ yếu của suy giảm lợi nhuận kể trên là do trong kỳ 2018, CTD có ghi nhận một khoản lãi hơn 63 tỷ đồng trong công ty liên kết, còn quý 1/2019 thì Công ty không có khoản lợi nhuận này.

Kết quả lãi ròng chỉ gần 189 tỷ đồng cũng khiến quý 1/2019 của CTD trở thành quý có lợi nhuận thấp nhất trong 15 quý kinh doanh gần nhất (kể từ quý 2/2015).

Doanh nghiệp có mức tăng lãi khủng

Từ lợi nhuận sau thuế chỉ gần 700 triệu đồng trong quý 1/2018, CTCP Viglacera Tiên Sơn (HNX: VIT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2019 tăng lên ở mức hơn 11 tỷ đồng, tương đương mức tăng 15,910%. Lý giải cho mức tăng lợi nhuận cao nhất, VIT cho biết nguyên nhân chủ yếu là do sau sửa chữa bảo dưỡng, 3 nhà máy đã hoạt động ổn định, phát huy 100% công suất, giúp Công ty đạt được kết quả ấn tượng.

Về CTCP Vicem Bao bì Hải Phòng (HNX: BXH), sản lượng tiêu thụ vỏ bao của Công ty tăng 2.3 triệu vỏ, tương đương tăng 28%.

Sản lượng tăng nên doanh thu tăng theo, trong khi đó, tốc độ tăng của chi phí thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu do trong quý 1/2019, thị trường mua vật tư đầu vào giảm xuống, đặc biệt là giá nhựa và giá giấy.

Đây là nguyên nhân làm cho lợi nhuận trong quý đầu tiên của Công ty tăng 1,285% so với cùng kỳ năm trước.

Quý đầu tiên có lãi sau 4 quý chìm trong thua lỗ

*Niên độ của AGF năm 2008 từ 01/01/2008 đến 31/12/2008, năm 2018 từ 01/10/2017 đến 30/09/2018.

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (HOSE: AGF) đã thoát lỗ sau 2 năm liên tiếp đeo bám và có lãi ròng đạt gần 1.6 tỷ đồng trong quý đầu tiên.

Mặc dù, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động, nguồn nguyên liệu khan hiếm nên doanh thu thuần không đạt kỳ vọng, giảm đến 47% so với cùng kỳ, đạt 270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng và hoạt động cho thuê nhà máy chế biến mang lại hiệu quả tốt nên trong kỳ nên lãi gộp ở 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty ghi nhận lỗ gộp 55 tỷ đồng. Phần lợi nhuận gộp trên phần nào bù đắp cho được các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp,… và quan trọng là giúp AGF đổi vận.

VC2 dẫn đầu trong số doanh nghiệp có mức giảm lãi ròng lớn nhất

Đối lập với những doanh nghiệp có lãi ròng tăng trưởng cao,vẫn tồn tại những doanh nghiệp có tình hình giảm tốc mạnh.

Theo đó, với doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất quý 1/2019 giảm 53%, đồng thời giá vốn hàng bán cũng giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của CTCP Xây dựng số 2 (HNX: VC2) giảm từ gần 6 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 360 triệu đồng, tương đương giảm 94% so với quý 1/2018.

Hay như trường hợp của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF) có lợi nhuận sau thuế giảm từ hơn 18 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 2 tỷ đồng, tương đương giảm 91% so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả như trên, KPF giải thích, quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất giảm so với cùng kỳ do Công ty chưa có doanh thu từ mảng kinh doanh bất động như cùng kỳ năm 2018.

WSS báo lỗ hơn 90 tỷ đồng

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp báo lãi rủng rỉnh thì cũng có khá nhiều doanh nghiệp với khởi đầu ảm đảm, ôm lỗ nặng, trong đó phải kể đến WSS, RIC, HKB, SHP

Giải trình về mức lỗ hơn 90 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do lãi lỗ liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính.

"Á quân" trong nhóm doanh nghiệp bết bát này là CTCP Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC) với mức lỗ hơn 43 tỷ đồng.

Theo RIC, doanh thu giảm chủ yếu vì doanh thu câu lạc bộ trong quý 1/2019 giảm từ hơn 40 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng. Doanh thu này giảm là do kinh doanh câu lạc bộ có tính chất may rủi. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 17% so với cùng kỳ năm trước do lương CBNV tăng, mặt khác doanh thu mặt hàng ăn, uống quý 1/2019 cũng tăng so với quý 1/2018 nên giá vốn tăng.

Ngoài ra, RIC còn góp mặt trong nhóm doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ đậm trong quý 1/2019.

Trước sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn làm giảm nguồn cung xăng dầu dẫn đến CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (HNX: TMC) gặp nhiều khó khăn về việc đảm bảo nguồn hàng, đặc biệt là xăng E95, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh khiến TMC ghi nhận mức lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2019.

Khang Di

FILI