Dữ liệu về doanh số bán lẻ và thị trường lao động vẽ ra bức tranh tươi sáng về kinh tế Mỹ

Dữ liệu về doanh số bán lẻ và thị trường lao động vẽ ra bức tranh tươi sáng về kinh tế Mỹ

Trong tháng 3/2019, Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng mạnh nhất trong 1 năm rưỡi khi các hộ gia đình tăng cường mua xe cơ giới và hàng loạt hàng hóa khác, một dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đang tăng trong quý 1/2019.

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ lại được củng cố bởi các dữ liệu khác trong ngày thứ Năm (18/04). Trong đó, số lượng người dân Mỹ nộp đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm trong tuần trước. Nỗi lo về đà giảm tốc bất chợt đã leo thang vào thời điểm chuyển giao năm mới, sau hàng loạt dữ liệu kinh tế yếu ớt.

Ngoài ra, nỗi lo còn bị khuếch đại bởi hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vào cuối tháng 3/2019. Thế nhưng, những nỗi lo đó đã tan biến dần trong vài tuần gần đây giữa lúc xuất hiện thông tin tích cực về thương mại, hàng tồn kho và chi tiêu xây dựng – những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng quý 1/2019 có thể mạnh hơn mức tăng trưởng vừa phải trong quý 4/2018.

Báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngày thứ Tư (17/04) mô tả hoạt động kinh tế đang mở rộng ở mức “nhẹ tới vừa phải” trong tháng 3 và đầu tháng 4/2019. Báo cáo về các điều kiện kinh tế Mỹ (Beige Book) của Fed cho thấy một vài chi nhánh của Fed ghi nhận “một vài sự tăng cường”.

“Đà hồi phục của doanh số bán lẻ củng cố quan điểm cho rằng triển vọng nội địa vẫn còn thuận lợi và được hỗ trợ thêm từ thị trường lao động, và điều này đã đánh bay những nỗi lo sai lầm cho rằng nền kinh tế Mỹ đang bước vào suy thoái”, Kathy Bostjancic, Trưởng bộ phận dịch vụ nhà đầu tư vĩ mô tại Mỹ ở Oxford Economics, cho hay.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tăng vọt 1.6% trong tháng 3/2019, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2017, sau khi giảm 0.2% trong tháng 2/2019. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng trưởng 0.9% trong tháng trước.

Với đà hồi phục của tháng 3/2019, doanh số bán lẻ đã xóa sạch đà giảm trong tháng 12/2018 – một yếu tố khiến chi tiêu tiêu dùng và nền kinh tế chung trên đà giảm tốc mạnh. Tháng trước, doanh số bán lẻ có lẽ được nâng đỡ bởi các khoản hoàn thuế, mặc dù chúng thấp hơn so với những năm trước đây, sau cải cách thuế trong tháng 1/2018.

Loại trừ xe hơi, xăng, nguyên vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ phục hồi 1% trong tháng 3/2019, sau khi giảm 0.3% trong tháng 2/2019. Doanh số bán lẻ lõi này tương quan chặt chẽ với thành phần chi tiêu tiêu dùng của GDP.

Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế và đang tăng lên nhờ thị trường lao động thắt chặt – một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiền lương.

Thị trường lao động mạnh

Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ được công bố trong ngày thứ Năm (18/04) cho thấy số lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 5,000 người xuống mức 192,000 người (có điều chỉnh yếu tố mùa vụ) trong tuần kết thúc vào ngày 13/04/2019, mức thấp nhất kể từ tháng 9/1969. Số liệu này đã giảm 5 tuần liên tiếp. Trong tuần gần đây nhất, các chuyên gia kinh tế dự báo số lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên 205,000 người.

Mặc dù xu hướng tuyển dụng đã chậm lại, nhưng tăng trưởng việc làm vẫn trên mức 100,000 người/tháng để bắt kịp với sự tăng trưởng của dân số trong độ tuổi lao động.

Dữ liệu trên đã thúc đẩy chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khcas. Chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái trái chiều, trong khi giá trái phiếu Chính phủ Mỹ đi lên.

Là kết quả của doanh số bán lẻ lõi mạnh trong tháng 3/2019, Fed khu vực Atlanta đã nâng ước tính GDP quý 1/2019 thêm 0.4 điểm phần trăm lên 2.8%.

Dự báo tăng trưởng quý 1/2019 đã được nâng lên từ mức rất thấp 0.5%, sau khi nhận được các dữ liệu kinh tế yếu ớt về thương mại, hàng tồn kho và chi tiêu xây dựng. Nền kinh tế tăng trưởng 2.2% trong quý 4/2018.

Tăng trưởng mạnh hơn trong quý 1/2019 có lẽ sẽ không làm thay đổi quan điểm cho rằng nền kinh tế sẽ giảm tốc trong năm nay khi các tác động tích cực từ gói cắt giảm thuế 1.5 ngàn tỷ USD dần nhạt phai và tác động từ đợt nâng lãi suất trong vài năm trước vẫn còn đó.

Ngoài ra, khó có khả năng xuất hiện tác động từ chính sách tiền tệ khi Fed gần đây đã tạm ngưng thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed đã phát tín hiệu không nâng lãi suất trong năm 2019 sau 4 lần nâng trong năm 2018.

Goldman Sachs đã nâng ước tính tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2019 thêm 25 điểm cơ bản lên 2.5%.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FiLi