Chứng khoán châu Á biến động dữ dội

Chứng khoán châu Á biến động dữ dội

Các thị trường chứng khoán lớn của châu Á biến động dữ dội và trồi sụt qua lại ngưỡng tham chiếu trong ngày thứ Sáu (22/03), vì các nhà đầu tư phải vật lộn với quan điểm “bồ câu” hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khép phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/03), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng nhẹ khi chỉ số Shanghai Composite tiến 0.09% lên 3,104.15 điểm và chỉ số Shenzhen Component tăng lên xấp xỉ mức 9,879.22 điểm. Chỉ số Shenzhen Composite cộng 0.203% và đạt mức 1,700.94 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông khép phiên ở mức 29,113.36 điểm, tương đương tăng 0.14%, trong đó cổ phiếu của ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent tiến 0.55% mặc dù công ty này vừa thông báo mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm chậm nhất trong vòng 13 năm.

Chỉ số MSCI châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0.22% lên 531.26 điểm vào lúc 16h03 theo giờ HK/SIN.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0.09% và kết thúc phiên ở mức 21,627.34 điểm, khi cổ phiếu của Softbank Group và Fanuc tăng lần lượt là 2.73% và 1.40%. Chỉ số Topix đóng phiên giao dịch ở mức 1,617.11 điểm, tăng 0.17%.

Nguồn: CNBC.

Trong ngày thứ Sáu (22/03), dữ liệu từ Chính phủ Nhật Bản cho thấy lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản giảm tốc trong tháng 2/2019, đẩy Ngân hàng Trung ương nước này vào thế khó.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi toàn quốc (core CPI), bao gồm các sản phẩm từ dầu nhưng không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, tăng 0.7% trong tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Chính phủ cho thấy trong ngày thứ Sáu (22/03). Con số này thấp hơn mức kỳ vọng 0.8% trên thị trường.

Đà giảm tốc của lạm phát chủ yếu là do giá xăng giảm 1.3% , đây cũng là đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2016.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phải chiến đấu với tỷ lệ lạm phát thấp trong nhiều năm qua, với tỷ lệ mục tiêu là 2% vẫn khó đạt được sau nhiều nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng giá.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng nhẹ lên mức 2,186.95 điểm. Cổ phiếu của ông lớn công nghệ Samsung Electronics và cổ phiếu của nhà sản xuất chip điện tử SK Hynix tăng lần lượt là 1.53% và 0.26%, duy trì đà tăng của ngày thứ Năm (21/03). Đêm qua, cổ phiếu của Micron cũng tăng lên sau khi công ty này báo hiệu rằng một đợt hồi sinh trong lĩnh vực chip bộ nhớ có khả năng sẽ đến vào cuối năm 2019.

Đồng thời, cổ phiếu ở Australia cũng tăng khi chỉ số ASX 200 tiến 0.45% và kết thúc ở mức 6,195.20 điểm, trong đó hầu hết các thành phần đều tăng.

“Có cảm giác như thị trường sẽ cần thêm một vài ngày và vài phiên để thấu hiểu những thay đổi trong quan điểm của Fed và để thẩm thấu thêm diễn biến liên quan về thương mại và địa chính trị, nhà đầu tư sẽ mong chờ các điều kiện giao dịch suôn sẻ hơn trong vài tuần tới. Thế nhưng, tại thời điểm này, họ có thể không có những điều kiện đó”, các chuyên viên phân tích tại Rakuten Securities Australia cho biết trong một báo cáo.

Dow Jones tăng hơn 200 điểm

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Năm (21/03), khi cổ phiếu Apple và Micron nhảy vọt để dẫn đầu đà tăng của lĩnh vực công nghệ. Tâm lý nhà đầu tư cũng được thúc đẩy bởi triển vọng cập nhật của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về vấn đề nâng lãi suất.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones vọt 216.84 điểm lên 25,962.51 điểm khi đà tăng 3.7% của cổ phiếu Apple đã bù đắp đà giảm 1.6% của cổ phiếu J.P. Morgan Chase. Chỉ số S&P 500 tiến 1.1% lên 2,854.88 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.4% lên 7,838.96 điểm.

Chứng khoán nhận được hỗ trợ khi nhà đầu tư hầu hết đều vui mừng trước thông báo chính sách mới nhất của Fed.

Hôm thứ Tư (20/03), Fed dự báo sẽ không nâng lãi suất trong năm 2019. Trước đó, hồi tháng 12/2018, Cơ quan này dự kiến sẽ nâng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm nay. Fed cũng cho biết dự định kết thúc chương trình cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá 4.2 ngàn tỷ USD vào tháng 9/2019.

“Thị trường tiếp tục thẩm thấu tác động từ một Fed quá bồ câu. Fed có khả năng giữ nguyên lãi suất cơ bản trong năm nay và có thể là cả năm tới. Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt đà tăng của cổ phiếu, mặc dù nhóm tài chính tiếp tục gặp khó khăn”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia giao dịch ngoại hối cấp cao tại National Australia Bank, nhận định trong báo cáo buổi sáng.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm mạnh vào ngày thứ Tư (20/03), trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất trong 1 năm. Lợi suất trái phiếu này dao động tại mức 2.53% vào ngày thứ Năm, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm dao động tại mức 2.41%. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá.

Tuy nhiên, Fed hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, làm dấy lên nỗi lo về khả năng giảm tốc của nền kinh tế Mỹ.

Thị trường tiền tệ và dầu

Chỉ số đồng USD – chỉ số theo dõi diễn biến đồng bạc xanh so với những đồng tiền chủ chốt khác – giao dịch ở mức 96.226 điểm, giảm so với mức của phiên sáng nhưng vẫn cao hơn mức 96.0 của ngày hôm qua.

Đồng Yên Nhật giao dịch ở mức 110.75 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức dưới 110.5 đổi 1 USD của phiên trước, trong khi đó đồng AUD rớt xuống mức 0.7113 USD sau khi dao động ở mức trên 0.716 USD vào ngày hôm qua.

Trong giờ giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (22/03), giá dầu hầu như không thay đổi so với phiên trước, trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai có giá 67.86 USD/thùng và hợp đồng dầu WTI tương lai ở mức 59.97 USD/thùng.

Trân Võ (Theo CNBC)

Fili