Nafoods lần đầu báo lãi giảm kể từ năm 2014

Nafoods lần đầu báo lãi giảm kể từ năm 2014

Lợi nhuận năm 2018 của NAF giảm tốc chủ yếu do phải chịu áp lực cạnh tranh về giá bán cũng như phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong vấn đề đầu ra.

Kết quả kinh doanh năm 2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2018 của CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF), doanh thu thuần quý 4 cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ khi đạt 276 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm 81% doanh thu, lợi nhuận gộp đạt 52.6 tỷ đồng, tăng trưởng trên 70% so với quý 4/2017.

Hoạt động tài chính mang về cho NAF 2.7 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng 51% lên hơn 6 tỷ đồng, lãi vay chiếm 4.8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty có có thêm khoản lỗ 640 triệu đồng từ công ty liên doanh, liên kết.

Chi phí lãi vay tăng cao cho thấy Công ty hiện nay chủ yếu sử dụng nợ vay để bổ sung vốn lưu động và hoạt động đầu tư, đặc biệt là việc vận hành nhà máy Long An thay vì liên tục tăng vốn điều lệ như giai đoạn trước.

Đáng chú ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đội lên rất cao với tỷ lệ tăng lần lượt là 136% và 56%, ghi nhận 23 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Theo nghiên cứu của FPT Securities, chi phí bán hàng của NAF tăng mạnh nhằm tìm kiếm đầu ra cho nhà máy mới.

Các sản phẩm như nước ép chanh leo cô đặc hay rau củ quả IQC xuất khẩu là những mặt hàng chủ lực và đóng góp chính vào nguồn thu của NAF. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của NAF là châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, sản phẩm của NAF bị áp thuế 7% tại thị trường châu Âu, trong khi sản phẩm của đối thủ đến từ Nam Mỹ không bị áp thuế. Do áp lực cạnh tranh này, giá bán nước ép chanh leo cô đặc của NAF có xu hướng giảm dần trong vài năm trở lại đây. Đồng thời, trong quý 1/2018, đối tác nhập khẩu châu Âu-Flagfood AG ngưng nhập khẩu đã phần nào hạn chế nguồn thu của NAF. Từ điều này cho thấy, NAF đang phụ thuộc đầu ra vào những khách hàng nước ngoài.

Trong năm 2018, doanh thu NAF đạt trên 600 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 56%, tương đương 341 tỷ đồng và doanh thu bán hàng nội địa chiếm 46%, tương đương 266 tỷ đồng. Hàng bán bị trả lại tăng mạnh từ 522 triệu đồng ở đầu kỳ lên hơn 4 tỷ đồng.

Kết quả trong năm 2018, NAF thu được gần 27 tỷ đồng lãi ròng, giảm một nửa so với lợi nhuận đạt được ở năm 2017. So với kế hoạch cả năm đã đề ra, NAF chỉ thực hiện được 81% kế hoạch doanh thu và chưa đến 54% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Kết quả thực hiện kế hoạch trong năm 2018

Tại ngày 31/12/2018, hàng tồn kho của NAF ghi nhận trên 83 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu kỳ, bao gồm 26.5 tỷ đồng nguyên vật liệu, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 25.3 tỷ đồng, thành phẩm 18.4 tỷ đồng, hàng hóa 10.8 tỷ đồng và công vụ, dụng cụ hơn 2 tỷ đồng.

Tỷ trọng tài sản của NAF đang bị chiếm dụng khá cao, các khoản phải thu chiếm khoảng 46% tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2018. Các khoản phải thu này chủ yếu đến từ các đối tác nước ngoài và giá trị các khoản phải thu này tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên, con số phải thu ở cuối kỳ năm nay không biến động đáng kể do Flagfood AG-một trong những khách hàng có khoản phải thu lớn nhất ngưng mua hàng trong quý 1.

Chi tiết khoản phải thu khách hàng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018

Toàn bộ khoản phải thu của NAF đều là phải thu ngắn hạn, tại thời điểm cuối kỳ ghi nhận gần 486 tỷ đồng, ngang ngửa với con số ở đầu kỳ. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (55%), phải thu ngắn hạn khác chiếm 24%, phải thu về cho vay ngắn hạn chiếm 12% và trả trước cho người bán ngắn hạn chiếm 9%.

Cơ cấu các khoản phải thu
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018

Cũng theo đánh giá của FPT Securities, vốn của NAF chủ yếu đi vào các tài sản đầu tư dở dang và tài sản bị chiếm dụng (các khoản phải thu). Đây là nguyên nhân chính làm giảm tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp này. Theo đó, hiệu quả của nhà máy Long An sau khi được đưa vào sử dụng và khả năng thu hồi các tài sản bị chiếm dụng sẽ quyết định đến tỷ suất sinh lời của đơn vị này.

Nguyên Ngọc

FILI

Nguồn tài liệu:

20190130_20190130 - NAF - BCTC Hop Nhat Q4.2018.pdf