Fecon và Đầu tư Phan Vũ giúp sức, FCM vẫn đặt mục tiêu năm 2019 đi lùi

Fecon và Đầu tư Phan Vũ giúp sức, FCM vẫn đặt mục tiêu năm 2019 đi lùi

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Khoáng sản Fecon (HOSE: FCM) diễn ra vào ngày 15/02 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2019.

Cụ thể, trong năm 2019, FCM dự kiến doanh thu 750 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận sau thuế sẽ là 35 tỷ đồng, đi lùi so với thực hiện năm 2018 lần lượt 15% và 5%. Theo đó, FCM vẫn đặt kế hoạch tỷ lệ cổ tức năm 2019 dự kiến 5%/vốn điều lệ như mọi năm.

Nói thêm về kế hoạch đầu tư năm 2019 được thông qua, FCM sẽ đầu tư 10 tỷ đồng để nghiên cứu và sản xuất các loại sản phẩm bê tông đúc sẵn phục vụ cho các dự án chống biến đổi khí hậu, kè sông, kè biển. Đồng thời, FCM sẽ đầu tư thêm thiết bị phục vụ sản xuất với tổng giá trị 15 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi cổ đông về việc đặt mục tiêu kế hoạch đi lùi, đại diện FCM cho biết, năm 2018, Công ty có công trình rất lớn (thép Hòa Phát Dung Quất) nhưng năm 2019, các dự án lớn trọng điểm gần như không có. Bên cạnh đó, 40 tỷ đồng tại Long Phú của năm 2018 là do hoạt động thương mại bên ngoài như mua cọc của đơn vị khác, và mua vật tư từ Fecon Hà Nam cấp cho Fecon Nghi Sơn, nên khi loại những phần đó ra thì doanh thu mục tiêu kế hoạch năm 2019 thấp hơn năm 2018.

Ngoài ra, với dự báo tình hình thị trường năm 2019 không được khả quan, Công ty sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án lớn như nhiệt điện hơn là các dự án cọc nhỏ. Mặc dù số lượng cọc cung cấp cho các dự án nhỏ nhiều nhưng doanh thu thì lại thấp. Bên cạnh đó, Công ty có hai khách hàng lớn là CTCP Fecon (HOSE: FCN) và CTCP Đầu tư Phan Vũ sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường cho Fecon nên sẽ đảm bảo về mặt doanh thu.

Thêm vào đó, ban lãnh đạo của Công ty cho biết thêm lợi nhuận năm 2019 vẫn có khả năng tăng lên vì vay trung hạn giảm xuống gần hết và do những năm trước, FCM có hai công ty con là Công ty Khoáng sản Hải Đăng và Fecon Nghi Sơn bị lỗ, nhưng năm 2018, Công ty đã rút vốn khỏi Công ty Hải Đăng và lợi nhuận của Fecon Nghi Sơn năm 2018 đã bù được các khoản lỗ của những năm trước nên chi phí tài chính sẽ được cải thiện.

Tại Đại hội, cổ đông của FCM cũng đưa ra câu hỏi về tác động của việc thoái vốn của FCN. Công ty cho biết, tuy FCN giảm tỷ lệ vốn từ 36% xuống còn 10.95% tại FCM, nhưng đi kèm đó là kế hoạch hợp tác dài hạn giữa FCN và Phan Vũ. Đồng thời, FCN cũng cam kết trong vòng 3 năm sẽ tiêu thụ 400 tỷ phần cọc (65 – 75%) của Fecon Hà Nam và Nghi Sơn.

Hơn nữa, sau khi trở thành công ty mẹ của FCM, Công ty Phan Vũ sẽ cho giá bán ưu tiên đối với FCM ở các khu vực mà Phan Vũ có các nhà máy PV, nên FCM sẽ có ưu thế hơn với "lợi nhuận NET" sẽ là 6% thay vì 5% như lúc trước.

Đặc biệt, Công ty Phan Vũ đã ký kết hợp đồng chiến lược toàn diện và cam kết việc trả nợ giữa CTCP Fecon và FCM sẽ giảm 173 tỷ xuống còn 80 tỷ trong vòng 15 tháng.

Sau khi có kết quả cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, HĐQT của FCM đã thống nhất bầu ông Hà Thế Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT FCM và ông Phan Khắc Long giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT FCM, nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Tài liệu đính kèm:

20190218_20190218 - FCM - NQ & BB DHDCD thuong nien 2019.pdf

Ái Minh

FILI