CNBC: Đàm phán Mỹ - Trung sẽ thất bại nếu Trung Quốc không thực thi thỏa thuận

CNBC: Đàm phán Mỹ - Trung sẽ thất bại nếu Trung Quốc không thực thi thỏa thuận

Một quan chức cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ cho biết những cam kết mà phía Bắc Kinh đưa ra như việc sẽ nhập thêm hàng hóa từ Mỹ và chỉnh sửa một số vấn đề trong cơ cấu kinh tế đều sẽ trở thành những chiến thắng vô nghĩa đối với Mỹ nếu như Tổng thống Mỹ Donald Trump và người của ông không tìm được cách để đảm báo phía Trung Quốc thực hiện đúng những thỏa thuận này.

Phân tích này xuất phát từ việc các nhà đàm phán Trung Quốc sẵn sàng cho vòng đàm phán tiếp theo bắt đầu vào ngày thứ Ba (19/02) ở Washington. Cho đến nay, theo các báo cáo được ghi lại, cả hai nước đã tìm được tiếng nói chung trong việc Trung Quốc sẽ giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách nhập nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn, nhưng vẫn chưa giải quyết những vấn đề như việc đánh cắp tài sản trí tuệ và lượng trợ cấp mà Bắc Kinh dành cho các công ty nội địa.

Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành và Trưởng bộ phận vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết “Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump và người của ông có thể hiện thực hóa những mục tiêu của họ đối với những vấn đề này, thì tất cả sẽ lại đi đến việc liệu hai nước có thực sự tuân thủ theo thỏa thuận hay không”.

“Khi không được thực thi, thỏa thuận này có thành cũng vô dụng”, ông trả lời với Eunice Yoon của CNBC tại Bắc Kinh. “Việc tuân theo và thực hiên đầy đủ thỏa thuận đang là hai nhân tố chính yếu nhất – vậy nên cần phải thực hiện đầy đủ, theo dõi sát sao, có cơ chế thực thi để đảm bảo rằng cả hai bên đều tin tưởng thỏa thuận này được duy trì và có thể thực hiện được”.

Các cơ chế thực thi có thể bao gồm cơ chế tự động nâng thuế nếu như Trung Quốc không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, ông nói. Một lựa chọn khác, như Brilliant cho biết, đó là Mỹ có thể “trì hoãn việc giảm thuế quan từ 10% xuống 0%” dựa theo thái độ của Bắc Kinh trong việc thực hiện thỏa thuận.

Các biện pháp đó khó có thể được các nhà đàm phán Trung Quốc chấp nhận, và nhiều báo cáo truyền thông cho thấy các biện pháp thực thi vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất đang được thảo luận. Tuy nhiên, Brilliant nhấn mạnh giới doanh nghiệp vẫn đang hy vọng cả hai bên sẽ đạt được một vài thỏa thuận nào đó.

“Vấn đề thực thi đang là yếu tố then chốt của thỏa thuận lần này, nhưng chúng tôi cần thấy một thỏa thuận được đưa ra. Thị trường đang rất căng thẳng; thị trường sẽ khó chuyển biến nếu như không có một thỏa thuận tốt nào được công bố”, ông nói.

Các quan chức đến từ Washington và Bắc Kinh đã có cuộc họp vào tuần trước (11/02) tại thủ đô của Trung Quốc để tiến hành cuộc đàm phán thương mại.

Tuần này, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc sẽ đến Washington vào ngày thứ Ba (19/02) và ngày thứ Sáu (22/02) để tiếp tục cuộc đàm phán, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Bộ cho biết trong một thông báo ngắn vào ngày thứ Ba (19/02), lần này, ông Lưu sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Đây sẽ là một tuần “quan trọng”, ông Brilliant nói.

“Các cuộc đàm phán đang dần nóng lên. Tôi nghĩ tại thời điểm này, cả hai bên đều đã biết những vấn đề cần giải quyết là gì. Đã có một vài tiến bộ trong vấn đề giao thương, phía Trung Quốc cũng đã đưa ra một vài đề nghị về việc tự do tiếp cận thị trường, ví dụ như trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đề nghị giảm thuế đối với mặt hàng ô tô  và có một số diễn biến, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt tập trung vào vấn đề bằng sáng chế và bản quyền”, ông Brilliant nói, xác nhận những thông tin rò rỉ và những tin tức về tình hình của cuộc thảo luận mà các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa ra.

Tuy nhiên, ông nói thêm, vẫn còn những lỗ hổng trong “các vấn đề quan trọng về cơ cấu”. Theo ông, những vấn đề này bao gồm việc Trung Quốc đã bắt những công ty nước ngoài chuyển giao những công nghệ chuyên môn cho các công ty Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, phía Bắc Kinh đã chi cho các công ty nội địa những khoản trợ cấp làm biến dạng thị trường, và “một thể loại chính sách công nghiệp chung mà Trung Quốc đã áp dụng làm tổn hại đến các công ty Mỹ, và các doanh nghiệp nước ngoài khác tiếp cận thị trường Trung Quốc”.

Tình hình cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài đã làm thị trường “phát điên”, tạo ra sự bất ổn cho các công ty lớn của Mỹ - đặc biệt là Apple, khu vực tư nhân của Mỹ cũng đang trông chờ những vấn đề về cơ cấu này được giải quyết, theo thông tin từ quan chức của Phòng Thương mại Mỹ.

“Giới doanh nghiệp và công nhân Mỹ mong muốn thỏa thuận lần này là một thỏa thuận vững chắc, có thể thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ song phương giữa hai bên”, ông Brilliant nói.

Trân Võ (Theo CNBC)

Fili