Việt Nam là “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Việt Nam là “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Một nền kinh tế tăng trưởng nóng, các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và sự ủng hộ nhiệt thành đối với hoạt động thương mại tự do là những gì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quảng bá về Việt Nam với nhà đầu tư toàn cầu giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra.

“Chúng tôi đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, một vài ngày trước khi tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) trong tuần này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Việt Nam âm thầm định vị bản thân là kênh trú ẩn an toàn của các nhà sản xuất đang canh cánh lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Với hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do, nguồn lao động giá rẻ và vị trí địa lý gần với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hẳn là có chuyện hay để nói với các nhà điều hành toàn cầu tại Davos.

“Chúng tôi đang cố gắng tăng cường xuất khẩu cả về chất lượng lẫn số lượng sản phẩm, nhất là trong những ngành mà chúng tôi có lợi thế như hải sản, hàng hóa, giày dép và thiết bị điện tử”, Thủ tướng cho biết. “Chúng tôi muốn trở thành một nền kinh tế xuất khẩu có thể tăng trưởng nhanh và mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người dân nước mình”.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa nhận thấy các công ty từ Trung Quốc dịch chuyển vào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay. Và nền kinh tế vẫn còn một số thách thức khó nhằn cần phải vượt qua: Cơ sở hạ tầng chưa đủ và thiếu nhân công lành nghề là những điều gây khó khăn trong việc thu hút các công ty sản xuất ngoài công đoạn lắp ráp như khâu may.

Các điều kiện kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc đang đè nặng lên nhu cầu xuất khẩu – là một mối đe dọa tới nền kinh tế như Việt Nam vì thương mại đóng góp phần lớn trong GDP quốc gia, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á ngoại trừ Singapore. Gần 1/4 giá trị thương mại của Việt Nam được thực hiện với Trung Quốc.

Nền kinh tế Việt Nam dường như đang vượt qua “giông bão” chiến tranh thương mại. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 7.1% trong năm 2018, nằm trong số những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông tự tin tăng trưởng sẽ đạt mức cao nhất trong phạm vi dự báo 6.6-6.8% của Chính phủ trong năm 2019. Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ giữ tiền Đồng ổn định trong năm 2019.

“Chúng tôi nhận thấy đà tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có nền tảng tốt để đạt được những mục tiêu của chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Việt Nam – vốn đã hoàn tất khoảng 16 thỏa thuận thương mại tự do – bắt đầu trở nên gắn kết với hoạt động thương mại toàn cầu sau cải cách “Đổi mới” trong thập niên 80. Kim ngạch xuất khẩu tăng lên mức kỷ lục 244 tỷ USD trong năm 2018, trong đó khách hàng Mỹ chiếm 48 tỷ USD trong số này, cao hơn gấp đôi so với thời điểm 5 năm về trước.

Sự bùng nổ từ Samsung

Một vài công ty sản xuất lớn đã hoạt động ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất phải là Samsung Electronics – vốn chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong năm 2018.

Lo ngại về quan điểm bảo hộ thương mại từ chính quyền Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, từ máy bay Boeing cho tới các sản phẩm từ các công ty dầu khí.

Trong ngày 17/01, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương cho biết, Việt Nam có thể nhập siêu 3 tỷ USD trong năm 2019. Các chính sách thương mại thay đổi thất thường từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, ông Vượng cho hay.

Khép lại năm 2018, Việt Nam có thặng dư thương mại tới 6.8 tỷ USD, Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố.

Những yếu tố khác có thể khiến Việt Nam thâm hụt thương mại bao gồm sự suy giảm của kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam khi các quốc gia khác tăng cường sản xuất trong nước để giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài và khi lĩnh vực sản xuất chế tạo nhập khẩu thêm nhiều nguyên vật liệu và máy móc.

“Thách thức của năm nay sẽ bao gồm căng thẳng thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu và thiếu cơ sở hạ tầng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Thủ tướng nói thêm, là một nền kinh tế đang phát triển, “chúng tôi buộc phải tiếp tục tăng trưởng để tạo thêm việc làm cho người dân và xóa bỏ nghèo đói. Chúng tôi buộc phải tăng trưởng hơn 6%/năm để nâng thu nhập bình quân đầu người và tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn câu chuyện hay ho để nói với nhà đầu tư toàn cầu. Trong số 7 quốc gia châu Á mới nổi, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những bến đỗ sản xuất công nghiệp hàng đầu của Natixis SA. Trong bảng xếp hạng này, Natixis SA xét tới nhân khẩu học, tiền lương, giá điện, xếp hạng về điều kiện hoạt động kinh doanh và logistics, và tỷ lệ vốn FDI chảy vào hoạt động sản xuất công nghiệp.

“Chính phủ đang làm việc cật lực để giúp nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi