Những doanh nghiệp không cần nhà băng vẫn hoạt động hiệu quả

Những doanh nghiệp không cần nhà băng vẫn hoạt động hiệu quả

Không cần dùng đòn bẩy tài chính hàng năm trời nhưng nhiều doanh nghiệp đã mang lại kết quả kinh doanh rất khả quan ngoài mong đợi của cổ đông. Đồng nghĩa với đó là các chỉ số tài chính cũng như giá cổ phiếu đều đẹp như trong mơ!

Trong kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động đều chú ý sử dụng lợi ích từ việc vay nợ, tức đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, việc vay nợ cũng chính là con dao hai lưỡi khi nó có thể giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng sinh lợi và ngược lại, cũng có thể khiến doanh nghiệp lao đao trong vòng xoáy nợ nần nếu “đường đi nước bước” không diễn ra như kế hoạch. Có lẽ vì thế mà nhiều doanh nghiệp đã không muốn dùng đến phương án này để hạn chế tối đa những rủi ro ngoài ý muốn. Tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp thực lực của doanh nghiệp khá khỏe mạnh với lượng tiền mặt dồi dào, có thể cung ứng sẵn cho các hoạt động thường ngày cùng kế hoạch đầu tư mới.

Theo thống kê của Vietstock, trên cả 3 sàn chứng khoán, ghi nhận có 78 doanh nghiệp liên tiếp trong gần 4 năm từ 2015 đến 9 tháng 2018 đều không vay nợ tài chính nhưng vẫn làm ăn hiệu quả khi đều đặn báo lãi hàng năm. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2018, có 44 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi trên 10 tỷ đồng và trong 4 năm qua không hề phải chi ra một đồng chi phí lãi vay nào.

Vì thế nên trên thị trường, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng phản ánh rất thực tế theo tình hình tài chính cũng như nội lực của doanh nghiệp.

7 doanh nghiệp nhiều năm liền không vay nợ tài chính (với lợi nhuận 9T2018 trên 100 tỷ đồng)
(Đvt: triệu đồng)

Mặc dù là đơn vị thi công xây dựng loạt dự án “khủng” cần lượng vốn không hề nhỏ, nhưng Coteccons (CTD) lại là gương mặt sáng giá nhất trong top này khi nhiều năm liền không ghi nhận một món nợ vay tài chính nào. Có chăng, một vài lần xuất hiện trong quý với số tiền khá ít nhưng đến cuối niên độ kế toán thì chỉ tiêu này hoàn toàn “sạch” trên bảng cân đối kế toán. Dù vậy, CTD vẫn hoạt động rất hiệu quả khi luôn đem lại sự hài lòng cho cổ đông, nhất là từ năm 2016, Công ty đã cán đích lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng và còn tăng hơn gấp đôi năm trước đó.

Điển hình như việc tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của CTD mặc dù có khoảng dao động khá lớn từ hơn 13% đến 30% giai đoạn 2014-2017 nhưng đó vẫn là một con số cao đáng ghi nhận. Thêm vào đó, EPS của CTD cũng cao ngất ngưởng với mức từ 7,769 - 28,486 đồng.

Các chỉ tiêu tài chính của CTD trong những năm qua

Hiện, cổ phiếu CTD đang giao dịch quanh mức 150,000 đồng/cp, thậm chí trước đó có thời gian dài giao dịch trên mức 200,000 đồng/cp vẫn rất hút nhà đầu tư.

Pymepharco (HOSE: PME) cũng là một gương mặt sáng giá trong việc độc lập về tài chính và hoạt động hiệu quả nhiều năm qua.

EPS hàng năm của PME đều ghi nhận ở mức khá từ trên 4,000 - 5,500 đồng cho giai đoạn 2014-2017. ROE cũng từ 18% trở lên.

Các chỉ tiêu tài chính của PME trong những năm qua

Cổ phiếu PME cũng không làm cổ đông thất vọng khi đang giao dịch quanh mức 70,000 đồng/cp.

Mặc dù chỉ mới lên sàn HOSE vài tháng nhưng Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) cũng đã để lại ấn tượng cho nhà đầu tư với mức giá 133,000 đồng/cp tại ngày 09/11, trước đó có lúc lên 163,000 đồng/cp.

Điểm sáng nhất của SGN chính là ROE khi có lúc lên tới 107% vào năm 2014, còn các năm sau này cũng quanh con số 49-62%.

Các chỉ tiêu tài chính của SGN trong những năm qua

Một doanh nghiệp cùng liên quan đến vận tải và dịch vụ hàng không khác là Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) cũng lọt vào danh sách này. NCT trước đây đã rất “nổi” trong việc hào phóng chi cổ tức bằng tiền mặt rất cao cho cổ đông từ 65-100%. Cũng không kém cạnh SGN, chỉ số ROE của NCT giao động trong vùng 62-73%; còn EPS luôn duy trì trên mức 10,000 đồng.

Khá tương thích, giá cổ phiếu trên sàn hiện trên mức 70,000 đồng/cp, có lúc cổ đông phải chi ra trên 100,000 đồng cho mỗi cổ phiếu NCT.

Các chỉ tiêu tài chính của NCT trong những năm qua

Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (HOSE: DMC) cũng không ngoại lệ với ROE từ 18-22% qua các năm và EPS quanh mức 5,000 đồng. Hiện, cổ phiếu DMC cũng nằm trong vùng giá cao với 78,000 đồng/cp.

Các chỉ tiêu tài chính của DMC trong những năm qua

Bên cạnh đó, trong top lãi trên 100 tỷ đồng còn có TBC, SKGVLB, tuy nhiên nhóm này giá cổ phiếu chỉ quanh vùng 16,000 - 26,000 đồng/cp.

Ngoài ra, còn có khá nhiều “anh tài” khác hoạt động rất hiệu quả mà không cần dùng đòn bẩy tài chính, tất nhiên lợi nhuận mang lại tương thích với từng đồng vốn bỏ ra. Và đó cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận mà không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng làm được, nhất là trong bối cảnh lãi vay tăng cao.

Những DN không vay nợ tài chính (có lãi trên 10 tỷ đồng trong 9T2018)
Đvt: triệu đồng

Minh An

Fili