ĐHĐCĐ TAG: Chuyển đổi mô hình cấp quyền sử dụng thương hiệu “Trần Anh” cho Thế giới di động

ĐHĐCĐ TAG: Chuyển đổi mô hình cấp quyền sử dụng thương hiệu “Trần Anh” cho Thế giới di động

Vào chiều ngày 31/07/2018, CTCP Thế Giới Số Trần Anh (HNX: TAG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh của Công ty sau khi về với CTCP Đầu tư Thế giới di động (HOSE: MWG).

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của TAG chiều ngày 31/07/2018.

Đại hội với sự góp mặt của 9 cổ đông đại diện gần 24.9 triệu cp, tương đương với 99.77% vốn điều lệ đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 cũng như các tờ trình.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Tại Đại hội, Chủ tịch Trần Kinh Doanh cho biết “Hiện nay, Trần Anh có lợi thế là có nhiều mặt bằng lớn, thậm chí là dư thừa. Với lợi thế đó, Công ty sẽ cho thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh trên nguyên tắc tổng doanh thu cho thuê lại hoặc thu nhập từ hợp tác kinh doanh cao hơn tổng giá thuê”. Theo kế hoạch, Trần Anh sẽ hợp tác kinh doanh với MWG hoặc bên thứ ba đối với hoạt động cho thuê này.

Đặc biệt, Trần Anh sẽ chuyển đổi mô hình bán lẻ điện máy với tính cạnh tranh cao thành mô hình cấp quyền sử dụng thương hiệu “Trần Anh” cho MWG sử dụng tại 35 cửa hàng bằng cách cho MWG thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các cửa hàng đang có.

Theo đó, MWG sẽ tự triển khai hoạt động bán lẻ tại 35 điểm bán và thanh toán cho Trần Anh tiền thuê lại mặt bằng và phí sử dụng thương hiệu “Trần Anh”. Đồng thời, Trần Anh sẽ chuyển nhượng toàn bộ hàng tồn kho và tài sản của 35 cửa hàng cho MWG với giá bán không thấp hơn giá vốn hoặc giá trị còn lại của hàng hóa và tài sản trên sổ sách kế toán.

Đại hội cũng đã nhất trí ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định phương thức, điều kiện giao dịch cũng như các thủ tục có liên quan theo quy định của pháp luật và điều lệ của Công ty.

Trần Anh sẽ bổ sung hai ngành nghề kinh doanh mới là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và Cho thuê tài sản vô hình phi tài chính.

Trước đó vào ngày 03/01/2018, CTCP Thế giới Di động (MWG) đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại TAG và trở thành đơn vị sở hữu chi phối hơn 90% đối với Trần Anh. Để phù hợp và thống nhất với mô hình hoạt động của Công ty mẹ, Trần Anh sẽ chuyển niên độ kế toán bắt đầu từ 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12, thay vì bắt đầu từ 01/04 và kết thúc vào ngày 31/03 của năm tiếp theo như trước đây.

Ngoài ra, Nghị quyết HĐQT ngày 15/01/2018 đã thống nhất bầu ông Trần Kinh Doanh vào vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Võ Hà Trung Tín là Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Trần Anh.

Năm 2017 lỗ 63 tỷ đồng

Sau khi về với MWG, lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2017 kết thúc vào ngày 31/03/2018 của Trần Anh âm 63 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty ghi nhận 1,187 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 210 tỷ đồng.

Do hoạt động kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu TAG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 25/06/2018. Từ khi bị cảnh báo, thị giá cổ phiếu TAG nằm tại 34,900 đồng/cp trong khoản một thời gian, bằng mức giá tối đa Công ty dự kiến mua lại cổ phiếu quỹ. Kết thúc phiên chiều ngày 31/07, cổ phiếu TAG đã hồi phục lên mức 38,000 đồng/cp.

Biến động giá cổ phiếu TAG trong 12 tháng qua

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh được thành lập vào ngày 11/3/2002 theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Công ty đã chính thức chuyển đổi từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) sang mô hình công ty cổ phần (CTCP) với tên gọi mới là CTCP Thế giới số Trần Anh kể từ ngày 08/8/2007.

Xuất phát điểm của Trần Anh chỉ có 5 người làm việc trong một cửa hàng nhỏ với diện tích hơn 60 m2 nhưng lại là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, máy tính và điện thoại.

Kết thúc năm 2013, Trần Anh đã có 9 trung tâm bán lẻ phủ khắp địa bàn Hà Nội. Và đến 2014, với 7 trung tâm bán lẻ trải khắp các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung, Trần Anh thuộc top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Đến năm 2015, Trần Anh tiếp tục lộ trình phủ điểm thần tốc bằng việc mở mới 6 trung tâm bán lẻ quy mô lớn, hiện đại, hướng tới chất lượng dịch vụ Nojima Nhật Bản, trở thành nhà bán lẻ điện máy dẫn đầu về số lượng điểm bán ở phía Bắc.

Bước sang năm 2016 Trần Anh tiến sâu vào thị trường miền Trung thông qua việc khai trương thêm 12 trung tâm mới tại các tỉnh thành lớn như Yên Bái, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng,… nâng số trung tâm điện máy trong hệ thống lên con số 33, giúp Trần Anh trở thành doanh nghiệp có tốc độ phát triển ấn tượng trên thị trường điện máy.

Nguyên Ngọc

FILI