ĐHĐCĐ Phân bón Miền Nam: Kỳ vọng gì từ dự án tại Long Thành?

ĐHĐCĐ Phân bón Miền Nam: Kỳ vọng gì từ dự án tại Long Thành?

Sáng 25/04, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Phân bón miền Nam (HOSE: SFG), Tổng Giám đốc Phùng Quang Hiệp cho biết, trong năm nay Công ty sẽ tiến hành đầu tư khá nhiều dự án cũng như sẽ cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ và đa dạng hóa sản phẩm để thâm nhập vào các công ty đường, cao su.

ĐHĐCĐ thường niên sáng 25/04 của SFG diễn ra tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TPHCM.

Lãi quý 1/2018 đạt 26 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ

Trong năm 2018, SFG đặt kế hoạch tổng doanh thu tiêu thụ 2,650 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện của năm 2017. Lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và cổ tức dự kiến không thấp hơn 12%.

Các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ khác của SFG như phân bón NPK ở mức 275,000 tấn, Super Lân các loại 160,000 tấn, cùng nhích nhẹ 1% so năm 2017. Còn Axit Sunphuric dự kiến tăng 6%, lên mức 86,000 tấn; sản phẩm bao bì sẽ tăng mạnh nhất với 16%, đạt mức 12 triệu cái. Riêng phân bón lá Yogen lại giảm 5%, xuống mức 280 tấn.

Theo Tổng Giám đốc Phùng Quang Hiệp, Công ty lập kế hoạch 2018 khi đã cân đối rất kỹ tỷ lệ phân lân tăng giá (hiện giá ure đã giảm mạnh trong khi kali vẫn tăng đều đặn, DAP cũng đang điều chỉnh), các loại chi phí cũng như dự báo về tình hình 2018 và nếu nguyên liệu như bây giờ thì Công ty cố gắng bám sát kế hoạch đặt ra.

Ông cũng cho biết, riêng trong quý 1/2018, các chỉ tiêu của SFG đều tăng trưởng so với cùng kỳ với doanh thu đạt 472 tỷ đồng, tăng so mức 443 tỷ của cùng kỳ. Lợi nhuận trên 26 tỷ, tăng trưởng gần 10% so mức 24 tỷ của cùng kỳ dù Công ty đã trích chi phí chiết khấu bán hàng của năm 2017.

Theo Ban lãnh đạo SFG, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình nguyên liệu có những biến động hết sức phức tạp, giá các loại nguyên liệu chủ yếu như DAP, URE, SA liên tục tăng, cùng với đó là giá than và điện cũng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất phân bón. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những thuận lợi khi giá nguyên liệu tăng sẽ giúp bà con nông dân giảm sử dụng phân đơn và chuyển sang sử dụng phân hỗn hợp NPK trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê… ổn định là dấu hiệu tích cực thúc đẩy bà con nông dân bón phân nhiều hơn, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, SFG cũng kỳ vọng chính sách thuế mới sẽ được thông qua và đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang thuế xuất 0% sẽ tác động tích cực đến thị trường, tiết giảm được chi phí sản xuất. Về vấn đề này, ông Hiệp cho biết, nếu được đưa vào chương trình của Quốc hội trong thời gian tới và được thông qua thì dự kiến việc áp thuế sẽ bắt đầu từ năm 2019 sẽ giúp Công ty tiết kiệm được khoảng 20 tỷ đồng chi phí/năm.

Tuy nhiên bên cạnh đó, thị trường phân bón trong năm nay cũng đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng dư cung khi hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón NPK lớn đi vào hoạt động, do đó cuộc chiến cạnh tranh thị phần sẽ càng gay gắt hơn. Giá các loại phân nguyên liệu tăng cao trong khi giá NPK lại không hề tăng ngay dẫn đến việc ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Công ty (thường có độ trễ tăng giá từ 3-5 tháng). Ngoài ra, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang phát triển ồ ạt và chưa có chế tài xử lý chặt chẽ vấn nạn này.

Với việc cạnh tranh gay gắt trong nước, trong thời gian qua, SFG liên tục mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Philippines, Indonesia, Campuchia. Còn thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Thái Lan, Myanmar và các nước châu Phi, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN để khai thác lợi thế về chính sách thuế quan.

Trong năm nay sẽ có sản phẩm phân bón hữu cơ

Mặc dù vậy, trong năm 2018 này SFG cũng sẽ tiến hành đầu tư nhiều hạng mục mới để tăng sản lượng sản phẩm như dây chuyển sản xuất NPK 150,000 tấn/năm bằng công nghệ hạt tháp cao tại Nhà máy Super Phốt phát Long Thành. Đồng thời Công ty cũng đầu tư nâng cấp Cảng Long Thành từ 5,000 tấn lên 10,000 tấn để đáp ứng công suất lớn có thể cập cảng, giúp tiết kiệm chi phí 4-5 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, SFG cũng xây dựng thêm nhà xưởng 3,500 m2 tại đây để có thể chủ động sản xuất, dự trữ vào bảo quản hàng hóa. Còn tại Hiệp Phước, SFG sẽ đầu tư sửa chữa dây chuyền sản xuất NPK 150,000 tấn/năm nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm hữu cơ cho xuất khẩu và các công ty mía đường, cao su.

Ban lãnh đạo Công ty cũng tiết lộ sẽ hợp tác với Tập đoàn LG Hannong – Hàn Quốc để triển khai sản xuất dòng phân bón 1 lần cho suốt quá trình phát triển của cây; hợp tác với Tập đoàn Biowish – Mỹ triển khai sản xuất phân bón NPK và khoáng hữu cơ vi sinh chứa các loại vi khuẩn có ích cho đất và cây trồng. Ông Hiệp cho biết, đối với dự án hữu cơ, Công ty đã thử nghiệm thành công trên các loại cây và đang tính toán giá cả để đưa ra thị trường trong năm nay.

Về vấn đề nhân sự, SFG cũng đã bầu ông Nguyễn Văn Quý vào chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho ông Lâm Thái Dương là người đại diện phần vốn Nhà nước.

Tân Chủ tịch HĐQT SFG ông Nguyễn Văn Quý nhận chức (áo trắng).

Với khu đất tại trụ sở Công ty ở Cách Mạng Tháng 8, ông Hiệp cho biết sẽ nghiên cứu phương án cũng như lựa chọn đối tác để hợp tác phát triển dự án phù hợp.

Về kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu thuần sau kiểm toán của SFG đạt hơn 2,382.5 tỷ đồng, tăng nhẹ so năm 2016. Lợi nhuận gộp ở mức 232 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên vẫn duy trì ở mức 9.7% cho thấy tính ổn định của SFG khá cao. Theo đó, sau khi trừ các loại chi phí, SFG lãi ròng gần 92 tỷ đồng, tăng nhẹ so mức 91 tỷ của năm 2016. EPS tương ứng đạt 1,920 đồng. Với kết quả này, SFG quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 13%.

Hoàng Nguyên

Fili