ĐHĐCĐ NTB: Lo ngại phá sản, cổ đông đề nghị hợp tác với Him Lam

ĐHĐCĐ NTB: Lo ngại phá sản, cổ đông đề nghị hợp tác với Him Lam

ĐHĐCĐ thường niên 2017 lần 3 của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UPCoM: NTB) tổ chức ngày 27/09 đã bàn về nhiều vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Trong đó có vấn đề tăng vốn, sáp nhập hoặc phá sản.

* ĐHĐCĐ NTB: Khoảng trống trong hoạt động kéo dài đến khi nào? 

 * NTB: Lỗ năm thứ 6 liên tiếp, âm vốn 670 tỷ đồng

Các nội dung được HĐQT trình Đại hội gồm thông qua việc giao cho HĐQT và Ban kiểm soát hiện tại tạm thời tiếp tục điều hành cho đến khi bầu ra HĐQT, Ban kiểm soát mới; thông qua đề nghị tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng để phát triển các tài sản của Công ty hoặc ủy quyền cho HĐQT đàm phán với các ngân hàng tại Tòa án về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng (Tân Phú) cho Sacombank (STB), dự án Nguyễn Oanh (Gò Vấp) và dự án Tân Kiên (Bình Chánh) cho BIDV (BID) để các Ngân hàng phát mãi tài sản trả nợ vay; thông qua việc giao cho HĐQT lựa chọn phương án tái cấu trúc Công ty theo hướng sáp nhập hoặc bán cho một đối tác khác hoặc phá sản.

Với các đề xuất này, cổ đông cho rằng, phương án tăng vốn điều lệ như thế nào khi mệnh giá cổ phiếu quá thấp (hiện giao dịch trên UPCoM với giá 900 đồng/cp)? Việc góp vốn với Công ty Hưng Điền làm thất thoát tài sản tới 140 tỷ đồng, rồi thua lỗ liên tục, cổ đông đề nghị truy cứu trách nhiệm của HĐQT hoặc cá nhân. Đối với dự án Tân Kiên, tại sao Công ty không thỏa thuận với khách hành để khách hàng hỗ trợ ứng trước hoặc tự hoàn thiện? Không thể hiện dự án góp vốn với Công ty Tấn Hưng và Him Lam trong báo cáo lần 3 này, cổ đông đề nghị giải thích việc góp vốn của các dự án trên.

Cổ đông cũng thắc mắc, nếu Công ty phá sản thì cổ đông nhận được gì và có vướng mắc gì không? Bên cạnh đó, cổ đông đề nghị HĐQT nên chủ động gặp Công ty Him Lam để đàm phán, thương thảo...

Phản hồi lại, Tổng Giám đốc Đỗ Biên Thùy cho biết, vấn đề tăng vốn điều lệ với tỷ lệ gấp 5 lần là không phù hợp, tuy nhiên Công ty tính toán số vốn tăng 200 tỷ để tái khởi động 3 dự án do ngân hàng không hỗ trợ vốn.

Còn việc hoàn thiện dự án Tân Kiên tương đối khó khăn, khách hàng đã góp phần trách nhiệm, nhưng ngân hàng không cho vay. Dự án này vướng giữa khách hàng và tài sản của Công ty Y tế đang thế chấp tại ngân hàng. Khi tài sản đang thuộc sở hữu của nhiều người thì việc Công ty chủ động tiếp tục đầu tư vốn mà không có sự hợp tác của ngân hàng, Công ty Y tế là vô cùng khó.

Khoản góp vốn vào Công ty Phú Sơn Thuận hay Tấn Hưng đều là sử dụng tài sản của họ để ngân hàng góp vốn. Khoản góp vốn dư là do điều chỉnh tỷ lệ góp vốn. Việc quy trách nhiệm có nên hay không đề nghị cổ đông cân nhắc khi Công ty không mất tài sản. Khoản vay này đã có quyết định của Tòa án. Trường hợp Công ty không trả thì sẽ phát mãi tài sản trả nợ.

Về hoạt động kinh doanh, từ năm 2011 đến nay Công ty không có nguồn thu. Cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản. UBND TPHCM không phát triển các dự án mới. Với tình hình tài chính bế tắc, Công ty không thể hoạt động khi không có nguồn tài chính. HĐQT và Ban điều hành cũ vô cùng cố gắng nếu không Công ty đã phá sản từ nhiều năm trước.

* Kinh doanh ngưng trệ, 6 tháng đầu năm NTB tiếp tục lỗ 184 tỷ đồng

Quá trình điều hành, Ban lãnh đạo cũng nhận thấy nhiều cơ hội về việc bán hoặc sáp nhập nhưng người mua lúc nào cũng hỏi bán giá bao nhiêu... đồng thời Ban lãnh đạo cũng tìm nhiều phương án khắc phục. Trước mắt, Ban lãnh đạo đề nghị trả nợ gốc cho ngân hàng và trả số tiền gốc khách hàng đã nộp.

Theo đó, hai vấn đề chính của Công ty hiện nay là phải trả nợ cho ngân hàng, khắc phục quyền lợi cho khách hàng theo đúng yêu cầu của Thanh tra TPHCM.

Đối với vấn đề phá sản thì không phụ thuộc vào Công ty mà còn phụ thuộc vào các chủ nợ.

Tại Đại hội, đại diện Công ty Chứng khoán Phương Nam đề xuất tham gia vào HĐQT và Ban kiểm soát để cải thiện hơn các dự án của Công ty. Tuy nhiên vấn đề này cần phải gửi đến Công ty trước ngày Đại hội ít nhất 3 ngày, do đó Đại hội lần này chưa chuẩn bị kịp hồ sơ.

"Sau Đại hội hôm nay, tôi Đỗ Biên Thùy xin từ nhiệm. Công ty giao lại toàn bộ cho Chứng khoán Phương Nam hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thực hiện" - Tổng Giám đốc Đỗ Biên Thùy nhấn mạnh.

Theo đó, Đại hội tiến hành bầu cử và thông qua việc HĐQT tạm thời tiếp tục điều hành gồm ông Trần Nam Kha, Trần Kim Minh, Lê Tấn Hòa, Huỳnh Tấn Tước, Dương Chí Thiện; BKS gồm bà Phạm Dương Minh Tú, Vũ Nhị Năng và ông Trần Quốc Cường. Còn lại nội dung tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ủy quyền HĐQT đàm phán với ngân hàng tại Tòa án và phương án tái cấu trúc đều không được đa số cổ đông thông qua.

Hoàng Nguyên

Fili

Tài liệu đính kèm:
1.NTB_2017.10.13_bd21961_NTB_BB.pdf
2.NTB_2017.10.13_f3da528_21641_bn_2017_10_11_1522_1.PDF